Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, với hơn 1.500 lượt người được tư vấn dạy nghề và giới thiệu việc làm.
Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mục tiêu mà Nghị quyết của Huyện ủy đã đề ra, hằng năm, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa đã tích cực phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, các phòng, ban cấp huyện và các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn để có các giải pháp thực hiện có hiệu quả.
Trong 02 năm 2016 và 2017 Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa đã phối hợp tổ chức điều tra nhu cầu học nghề tại 11/15 xã, tổng số người trong độ tuổi lao động có nhu cầu hỗ trợ học nghề là 4.755 người, với 35 nghề khác nhau. Trong đó, nhu cầu học nghề nông nghiệp là 3.165 người (chiếm 66,5%); công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 1.590 người (chiếm 33,4%), riêng nhóm lao động có nhu cầu chuyển sang đi làm việc ở nước ngoài là 112 người (chiếm 2,4%).
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên dạy nghề đối Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện nay đơn vị có 08 giáo viên cơ hữu làm nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn hiện có 08 giáo viên. Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa còn hợp đồng thêm các giáo viên thỉnh giảng, các nghệ nhân, lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh tham gia cộng tác trong việc truyền nghề cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho các đối tượng lao động có lứa tuổi, trình độ khác nhau.
Trong 02 năm 2016, 2017, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh và huyện Minh Hóa tổ chức được 12 lớp dạy nghề, với số lao động được học nghề là 415 người, trong đó, số lao động học nghề nông nghiệp là 242 người, học nghề phi nông nghiệp là 173 người. Học viên thuộc diện hộ nghèo là 239 người; đối tượng vừa hộ nghèo vừa đồng bào dân tộc thiểu số 32 người; đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo 176 người. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là nuôi, phòng và trị bệnh cho trâu, bò; nuôi ong; trồng rau an toàn; may công nghiệp; làm nón; đan lát thủ công; trồng và khai thác rừng trồng; kỹ thuật chế biến món ăn.
Số lao động nông thôn được hỗ trợ hoàn thành học nghề là 415/415 người. Trong đó số lao động học xong có việc làm là 317 người, đạt 76,3%, chủ yếu là nghề nông nghiệp (tự tạo việc làm là 223 người, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 20 người, được tuyển dụng vào làm trong các nhà hàng, khách sạn là 22 người, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã doanh nghiệp là 52 người).
Năm 2018, với nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ 600 triệu đồng, UBND huyện đã phân bổ kinh phí dạy nghề nông nghiệp 273.859.000 đồng, dạy nghề phi nông nghiệp 391.100.000 đồng, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện tổ đã chức đào tạo 02 lớp nghề nông nghiệp, với gần 60 học viên (01 lớp trồng và khai thác rừng, 01 lớp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo); 03 lớp phi nông nghiệp, với hơn 100 học viên (01 lớp hướng dẫn viên du lịch, 01 lớp dịch vụ du lịch cộng đồng, 01 lớp kỹ thuật làm nón).
Có dịp đến tham quan mô hình chăn nuôi của anh Đinh Quang Trung, một người nông dân ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, chúng tôi được biết, nếu như trước đây do chưa có kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi, việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi của gia đình anh còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập hàng năm còn khiêm tốn, thì nhờ sau khi được học nghề thú y tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa và áp dụng vào thực tế sản xuất, đến nay, mô hình kinh tế của anh gia đình trên tổng diện tích 3,35 ha, chủ yếu nuôi lợn thịt, lợn nái, cá, chim trĩ, gà thịt,... rất ít xảy ra dịch bệnh. Bình quân mỗi năm, từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình anh Trung đã thu về được trên 240 triệu đồng tiền lãi.
Ngoài vai trò chủ đạo của Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện Minh Hóa và các phòng, ban, địa, phương trên địa bàn huyện Minh Hóa, trong thời gian qua, có một số đơn vị, doanh nghiệp ngoài địa bàn huyện cũng đã bắt đầu quan tâm, liên kết với các đơn vị ở Minh Hóa tổ chức một số lớp đào tạo nghề, tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trong đó không thể không kể đến việc Hợp Tác xã Mây tre đan Vân Sơn ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ông Lê Viết Sơn, Chủ nhiệm Hợp Tác xã cho biết: Cùng với địa bàn huyện Tuyên Hóa, thời gian qua, Hợp Tác xã của ông còn chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Minh Hóa tổ chức được nhiều lớp dạy nghề mây tre đan cho lao động nông thôn, qua đó tạo tiền đề tiến tới thành lập các tổ hợp tác liên kết cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm ở đây.
Hiện tại có một số học viên người Minh Hóa do đơn vị của ông phối hợp đào tạo đã được tạo việc làm tại chỗ và có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng.
Nhờ được dạy nghề, nông dân ở Minh Hóa đã bắt đầu sản xuất các mặt hàng đan lát để tăng thu nhập
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền các chính sách học nghề cho lao động ở một số xã trên địa bàn Minh Hóa vẫn còn hạn chế. Hệ thống thông tin về dạy nghề chưa đáp ứng đầy đủ tận các thôn, bản nên người lao động khó tiếp cận các thông tin, lợi ích các chính sách về lao động và giải quyết việc làm. Tâm lý, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn, do vậy chưa mạnh dạn, quyết tâm tìm học nghề thay đổi cuộc sống, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Phát huy những kết quả đã đạt đươc, khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Huyện ủy Minh Hóa, địa phương đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2019, sẽ có hơn 2.300 lao động nông thôn được đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hạnh Nguyễn