Để ra mắt Nhóm công tác PPP ngành hàng Lúa gạo và tạo điều kiện cho các đối tác trong ngành có cơ hội trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phát triển hợp tác, ngày 3/3/2022, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT (thông qua PSAV) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo: “Định hướng Chiến lược của Nhóm công tác PPP ngành hàng Lúa gạo Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo gồm có đại diện đồng trưởng Nhóm khối công (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) và khối tư (công ty Bayer); các tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, các cơ quan trực thuộc Bộ, Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á - Grow Asia, tổ chức GIZ, đại diện Sở NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông/ Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, và các cơ quan truyền thông.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, gạo Việt Nam đã được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như khả năng cạnh tranh còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế; tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng hơn là chất lượng; chế biến sâu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng gạo chưa cao; chưa có thương hiệu riêng cho gạo Việt; thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp, do đó không tạo được động lực để người dân đầu tư phát triển sản xuất lúa gạo; sản xuất lúa gạo gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên và lạm dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp, chính sách và kỹ thuật cụ thể để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập ổn định cho người trồng lúa, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP.
Trong bài phát biểu, bà Erin Sweeney, Giám đốc Chương trình tại Grow Asia nhấn mạnh "Việc thành lập Nhóm công tác PPP ngành hàng Lúa gạo thể hiện một bước ngoặt quan trọng hướng tới chuyển đổi ngành lúa gạo nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với các đối tác khối công và khối tư tại Việt Nam để xây dựng một chuỗi giá trị ngành hàng gạo bền vững với tiềm năng trở thành hình mẫu cho khu vực".
|
|
Bà Erin Sweeney, Giám đốc chương trình tại Grow Asia cam kết sẵn sàng hợp tác với các đối tác khối công tư tại Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng gạo bền vững |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Khoa, trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm KNQG đã trình bày dự thảo quy chế và định hướng hoạt động của nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, ông Khoa đã đưa ra dự thảo nội quy hoạt động của nhóm cũng như sự cần thiết, chức năng của nhóm công tác, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và dự thảo cơ cấu tổ chức của nhóm công tác ngành hàng lúa gạo gồm 3 ban (ban chính sách, ban thị trường và tổ chức sản xuất, ban khoa học công nghệ và khuyến nông). Trên cơ sở dự thảo này, các đại biểu cùng thảo luận và đóng góp ý kiến để xây dựng quy chế hoạt động cho nhóm ngành hàng lúa gạo phù hợp, phát huy tối đa thế mạnh của các bên.
Đóng góp cho nền nông nghiệp bền vững, ông S Kamath – đại diện Công ty Bayer tại Việt Nam đã chia sẻ các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây lúa của Bayer hướng tới những giải pháp phù hợp về nông học như: chất lượng hạt giống, các sản phẩm tiên tiến bảo vệ cây trồng sinh học, giải pháp về công nghệ số trong quản lý nguồn lực và nhiệm vụ một cách thông minh và hiệu quả, giải pháp về dịch vụ lựa chọn giống, giám sát chuyên môn kỹ thuật số,...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được chia sẻ thông tin về một số dự án sản xuất lúa gạo đã và đang triển khai như: dự án thúc đẩy nhân rộng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị nông sản của tổ chức Hợp tác Đức (GIZ); dự án thí điểm mô hình sản xuất lúa giảm phát thải (công ty RIZE); kết quả nghiên cứu chuỗi lúa gạo liên quan đến chủ đề tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong các mô hình sản xuất lúa thích ứng với BĐKH (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT).
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, để góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, đảm bảo xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao rất cần sự quan tâm của tất cả các đơn vị thuộc khối công, cũng như các doanh nghiệp khối tư nhân, các tổ chức quốc tế đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, và đóng góp nguồn lực trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.
Bế mạc hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Trước thách thức của ngành hàng lúa gạo và các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, yêu cầu về sản xuất lúa giảm phát thải, bảo vệ môi trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm lúa gạo chất lượng, minh bạch thông tin sản phẩm. Việc thành lập nhóm công tác Đối tác công-tư ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam là hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam trở thành một hệ thống minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, giảm phát thải và thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Với vai trò, trách nhiệm là trưởng khối công nhóm hợp tác PPP ngành hàng lúa gạo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cùng với Bayer – đồng trưởng nhóm khối tư tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các quý vị đại biểu, những sáng kiến, kinh nghiệm đóng góp tại hội thảo là cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho ngành hàng lúa gạo năm 2023 và định hướng hoạt động trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu thị trường kể cả các thị trường khó tính nhất nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững một triệu ha lúa./.
|
|
Ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh những sáng kiến, kinh nghiệm đóng góp tại hội thảo là cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho ngành hàng lúa gạo năm 2023 |
Thanh Huyền – Đỗ Tuấn
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia