Tham gia hội thảo có hơn 150 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các cán bộ khuyến nông, các doanh nghiệp, thành viên hợp tác xã, nông dân sản xuất cà phê của 4 tỉnh tham gia dự án: Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT; Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng; Ông Phạm Quang Trung - Trưởng đại diện Tổ chức GCP tại Việt Nam đồng chủ hội thảo.
    |
 |
Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu |
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam, đồng thời tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về khối lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên các thị trường quan trọng của thế giới như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,... ngày càng khắt khe với vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, việc vượt quá mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến ngành cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật xả ra môi trường hàng ngày đòi hỏi chúng ta không chỉ phải thay đổi về kỹ thuật mà còn phải thay đổi chính sách thích hợp để nâng cao ý thức cộng đồng.
Báo cáo tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, sau gần 01 năm triển khai dự án, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức thành công 2 hội thảo tham vấn và 2 Tọa đàm truyền thông với sự tham gia của 540 đại biểu để đưa ra các giải pháp về quản lý chất thải trong sản xuất cà phê, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng tham gia về tầm quan trọng của việc sử dụng vật tư nông nghiêp có trách nhiệm trong sản xuất cà phê. Nâng cao năng lực cho 360 học viên bao gồm cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, thành viên hợp tác xã, người sản xuất cà phê tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) về quản lý cỏ dại trong vườn cà phê; vệ sinh an toàn lao động trong sản xuất cà phê, kỹ năng khuyến nông cộng đồng. Các hoạt động của dự án đã được triển khai đầy đủ và hiệu quả theo đúng các nội dung và mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và năng lực cho các đối tượng liên quan trong chuỗi sản xuất cà phê tại Tây Nguyên.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng đánh giá kết quả và những bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai dự án; những hạn chế trong chuỗi cà phê, chia sẻ các mô hình xử lý chất thải hiệu quả, thân thiện với môi trường, giải pháp sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững,… Và thảo luận các cơ hội hợp tác và huy động nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ nông dân và địa phương thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Tô Việt Châu – Phó vụ trưởng Vụ HTQT cho rằng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá rất cao kết quả đạt được của dự án, xem đây là một mô hình hợp tác công tư (PPP) triển khai có hiệu quả giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các tỉnh Tây nguyên với GCP thông qua đối thoại chính sách để nâng cao năng lực và nhận thức của các bên về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất Cà phê tại Việt Nam.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Tuy chỉ mới triển khai nhưng dự án đã định hướng được khá rõ việc sản xuất cà phê phải có trách nhiệm, chỉ có kiểm soát được vật tư nông nghiệp đầu vào tốt thì mới giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, không phải chỉ là vấn đề an toàn, vấn đề chất lượng sản phẩm mà người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm đó được làm ra bằng cách nào, có làm tổn hại đến môi trường, sinh thái không. Điều đó thay đổi thị hiếu, nhận thức về tiêu chuẩn sản phẩm. Việc xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm là một sáng kiến rất kịp thời, đúng lúc. Với đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao thực hiện cùng với Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã vào cuộc một cách mạnh mẽ.
Hội thảo khép lại với sự đồng thuận và cam kết từ các các bên tham gia: Cùng chung tay xây dựng một ngành cà phê xanh - sạch - bền vững, hài hòa lợi ích cộng đồng.
Thanh Huyền
Trung tâm Khuyến nông quốc gia