Chủ nhiệm dự án: Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Thời gian thực hiện: 12 tháng (từ tháng tháng 5/2012 đến tháng 4/2013)
Địa điểm thực hiện: toàn quốc
Mục tiêu tổng quát:
Đánh giá kết quả hoạt động khuyến nông giai đoạn 2010- 2011, xác định nhu cầu khuyến nông đến 2015 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, góp phần tích cực thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá mức độ phù hợp các cơ chế chính sách khuyến nông hiện hành, kết quả các chương trình, dự án khuyến nông giai đoạn 2010- 2011;
- Nắm bắt được nhu cầu về hoạt động khuyến nông đến năm 2015, xác định các định hướng ưu tiên và giải pháp thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm của Trung ương đến năm 2015 và những năm tiếp theo theo các nhóm đối tượng, các nội dung, lĩnh vực hoạt động khuyến nông;
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến nông cho phù hợp với nhu cầu thực tế;
Kết quả dự án
Qua quá trình khảo sát, phỏng vấn 301 cán bộ quản lý, 427 cán bộ khuyến nông và 2.338 nông dân ở 8 vùng sinh thái đã thu được những kết quả như sau:
1. Đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp ở các địa phương
Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp ở các địa phương đã có bước phát triển mới theo hướng sản xuất hàng hóa. Ở mỗi vùng, mỗi địa phương đã xác định các cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trọng điểm để quy hoạch sản xuất và tập trung phát triển. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ và trung bình, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất của nông dân còn khó khăn, thiếu thốn. Nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, Hệ thống khuyến nông đã chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất của nông dân.
2. Đánh giá về hệ thống tổ chức khuyến nông
Thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP, hệ thống tổ chức khuyến nông nhà nước đã được xây dựng khá đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập như: cơ chế quản lý hệ thống khuyến nông giữa các tỉnh còn chưa thống nhất; hiện còn 474 xã (tương đương 8%) chưa có cán bộ khuyến nông phụ trách;… Điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống khuyến nông nhà nước ở cấp tỉnh thì tương đối tốt và đáp ứng yêu cầu công tác, ở cấp huyện thì đa số là thiếu và lạc hậu. Điều kiện làm việc của KNVCS thì rất khó khăn và không ổn định.
Đối với các lực lượng khuyến nông ngoài nhà nước (các viện, trường, trung tâm, doanh nghiệp,..) thì số lượng tham gia còn ít (16%), trong đó chủ yếu là tham gia theo hình thức kiêm nhiệm.
3. Về kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông
Qua kết quả khảo sát tại 30 tỉnh, thành phố cho thấy:
- Sau khi thực hiện Nghị định 02, đối với cơ quan khuyến nông cấp tỉnh, thành phố tự cân đối được nguồn ngân sách đã bố trí được đủ nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông, còn lại các tỉnh có điều kiện khó khăn (chiếm khoảng 40%) thì có sự suy giảm nguồn kinh phí trung ương, đồng thời tỉnh cũng không bố trí đủ nguồn kinh phí nên hoạt động hết sức khó khăn.
- Đối với cơ quan khuyến nông cấp huyện: nguồn kinh phí khuyến nông cũng có sự biến động tương tự cấp tỉnh.
4. Đánh giá về kết quả và hiệu quả hoạt động khuyến nông giai đoạn 2010- 2011
a/ Các dự án, mô hình khuyến nông: được đánh giá cao về mức độ phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất (99%); mức độ hoàn thành và đạt kết quả cao (cán bộ quản lý: 99%, cán bộ khuyến nông: 92% và nông dân: 85%). Với kết quả đạt được ở mức cao, các dự án, mô hình đã có những hiệu quả và tác động tốt đối với sản xuất, góp phần đem lại giá trị gia tăng và thu nhập cao cho người nông dân. Các mô hình khuyến nông được đánh giá cao về khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà với 93% nông dân đã tham gia mô hình khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được khuyến nông chuyển giao.
b/ Hoạt động thông tin tuyên truyền:
- Các sự kiện khuyến nông: Các sự kiện khuyến nông được đánh giá là có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có nội dung và chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Tuy nhiên tỷ lệ nông dân được tham gia là khá thấp. Đối với những nông dân đã được tham gia các sự kiện khuyến nông thì đa số đánh giá các sự kiện khuyến nông có hiệu quả và tác dụng tốt đối với sản xuất của các hộ nông dân.
- Về tài liệu khuyến nông: được đánh giá là phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Nội dung và hình thức trình bày của các loại tài liệu khuyến nông cũng được đánh giá là khá phù hợp với các đối tượng sử dụng là cán bộ khuyến nông và nông dân.
- Thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: đã được đông đảo bà con nông dân và cán bộ khuyến nông trên khắp mọi miền đất nước quan tâm thường xuyên theo dõi. Các chương trình, chuyên mục được đánh giá cao về nội dung, chất lượng thông tin, TBKT chuyển giao. Hiệu quả của các chương trình truyền thông đã được 47% nông dân đánh giá có hiệu quả, tác dụng tốt đối với sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đã cung cấp các thông tin, kiến thức kịp thời và hữu ích giúp nông dân sản xuất có hiệu quả.
c/ Hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông:
Qua kết quả khảo sát đánh giá cho thấy các lớp đào tạo, tập huấn khuyến nông đã cung cấp các kiến thức thiết thực, hữu ích, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ khuyến nông và kiến thức, trình độ sản xuất của nông dân ở các địa phương, giúp nông dân sản xuất có hiệu quả hơn. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nông dân áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất ở mức cao là 90%, trong đó những lĩnh vực có tỷ lệ áp dụng cao như trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản và những vùng có tỷ lệ áp dụng cao như vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.
5. Về định hướng hoạt động khuyến nông đến năm 2015
Trong những năm tới hoạt động khuyến nông cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến nông, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tăng cường áp dụng ViệtGAP trong sản xuất nông nghiệp để tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng ở từng lĩnh vực, khuyến nông gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững,…
6. Nhu cầu hoạt động khuyến nông đến năm 2015
- Các dự án xây dựng mô hình trình diễn: nhu cầu của các địa phương là thực hiện theo quy mô tỉnh với cơ cấu: trồng trọt 33%, chăn nuôi 27%, khuyến lâm 11%, khuyến công 13%, khuyến ngư 15% và lĩnh vực khác 1%. Nhu cầu tham gia của nông dân là rất cao đối với cả hoạt động xây dựng mô hình cũng như nhân rộng mô hình. Cùng với sự phát triển của sản xuất hàng hóa, nhu cầu của nông dân và các địa phương về các mô hình khuyến nông theo hướng mở rộng quy mô mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua nhiều hình thức: xây dựng mô hình, thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, tư vấn dịch vụ,… Các dự án khuyến nông trung ương tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ngành để phục vụ tích cực Đề án tái cơ cấu ngành và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Hoạt động thông tin tuyên truyền: tiếp tục tổ chức có hiệu quả các diễn đàn, hội thi, hội chợ; cần đa dạng hóa các loại hình tài liệu, nâng cao nội dung và chất lượng, tăng số lượng và mở rộng phạm vi phát hành để phục vụ 2 nhóm đối tượng sử dụng chính là cán bộ khuyến nông và nông dân (57%); tiếp tục duy trì các chương trình, chuyên mục có hiệu quả, đồng thời xây dựng các chương trình, chuyên mục mới phù hợp với nhu cầu của sản xuất,
- Hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông: tiếp tục tổ chức có hiệu quả chương trình đào tạo TOT cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khuyến nông để tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa.
7. Về chính sách khuyến nông
Qua 20 năm hoạt động, hệ thống văn bản chính sách khuyến nông ở các địa phương đã được xây dựng và thực hiện tương đối đồng bộ theo hướng dẫn của Trung ương. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy ở các địa phương đều đã có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tuy nhiên mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ là khác nhau, có sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền phụ thuộc vào chủ trương và nguồn kinh phí của các tỉnh, thành phố. Riêng đối với chính sách phụ cấp nghề cho cán bộ khuyến nông thì hiện nay chưa tỉnh, thành phố nào có, đây chính là nguyện vọng của đa số cán bộ khuyến nông cả nước hiện nay.
Để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến nông hiện nay ở Việt Nam, một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay là cần tạo được sự thống nhất trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông từ trung ương đến cơ sở. Do vậy ở trung ương cần thành lập Cục Khuyến nông với đủ lực lượng cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để thực hiện quản lý hoạt động khuyến nông thống nhất trong toàn quốc. Đối với chương trình khuyến nông trung ương của Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đổi mới cơ chế theo hướng: tập trung các nguồn lực và triển khai thống nhất thông qua hệ thống khuyến nông nhà nước, huy động sự tham gia của các tổ chức khuyến nông ngoài nhà nước theo cơ chế phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông. Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến nông trung ương cần làm sớm để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng, kiện toàn các chính sách khuyến nông địa phương phù hợp với định hướng của trung ương.