Sáng ngày 01/12/2024, tại thủ đô Hà Nội, Ban cán sự Đảng Bộ và Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức kết nối Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Tham dự Hội nghị có: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành…
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với điểm cầu Trung ương - Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội kết nối với 14.535 điểm cầu trên toàn quốc, đó là điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Trung ương; điểm cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương… với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 1 điểm cầu chính tại trụ sở Bộ (số 2 Ngọc Hà, Hà Nội) cùng 450 điểm cầu và kết nối cá nhân với hơn 7.500 đảng viên tham dự. Điểm cầu tại trụ sở Trung tâm Khuyến nông Quốc gia do ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm, Bí thư Đảng ủy chủ trì.
|
|
Đảng viên Trung tâm KNQG tham dự Hội nghị trực tuyến |
Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương báo cáo về các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trình bày chuyên đề “Tập trung các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển”; Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024; giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm rõ và nhấn mạnh 03 vấn đề:
1. Thống nhất rất cao về nhận thức, hành động, quyết tâm chính trị trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và định hướng sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vấn đề bức thiết đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu, chủ động quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”. Chú ý 2 điểm cốt yếu:
(1) Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị; khẩn trương thực hiện nhưng phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm các nước… làm cơ sở đề xuất các biện pháp xây dựng mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thống nhất. Quyết tâm hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I/2025.
(2) Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ của Đảng, Hiến pháp, Pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Quán triệt, kiên định thực hiện các nguyên tắc cốt lõi, bảo đảm vận hành thông suốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đáp ứng phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Thực hiện thật tốt công tác tư tưởng chính trị, chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
2. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển, là chìa khóa để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Xác định rõ đây là khâu “đột phá của đột phá”. Tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Trên tinh thần đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định, chính sách; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách; cải cách triệt để thủ tục hành chính; khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, mở đường phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án, đất đai, hỗ trợ, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
3. Tăng tốc bứt phá thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Chuẩn bị nhân lực, nguồn lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia có khả năng thúc đẩy tăng tốc, bứt phá, dứt điểm, có tính chất mấu chốt, trụ cột trong hệ sinh thái phát triển.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá dân tộc; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng cải thiện đời sống người dân; bảo đảm đến hết năm 2025 xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai; xử lý các cơ sở ô nhiễm; đẩy mạnh các dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhất là ngoại giao kinh tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đỗ Tuấn - Thúy Hiên