Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 37.000 điểm cầu ở Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cơ quan, đơn vị trên cả nước. Bên cạnh đó, hội nghị được truyền hình trực tiếp trên Kênh thời sự VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và Kênh thời sự (VOV1), Kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Tại điểm cầu Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường kết nối với điểm cầu Trung ương có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Ngô Hồng Giang - Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, cùng hơn 8.800 đảng viên tham dự tại hơn 250 điểm cầu trực tuyến. Tiếp nối điểm cầu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, điểm cầu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia có sự tham dự của ông Hoàng Văn Hồng – Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc, ông Lê Minh Lịnh- Phó Giám đốc Trung tâm – Chủ tịch công đoàn cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức trong Trung tâm.
Trước khi tham dự hội nghị, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, các đại biểu đã tham quan Triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân".
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW” (Nghị quyết số 68-NQ/TW).
    |
 |
Tại điểm cầu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia |
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng. Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Về tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Các đại biểu đã được nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề: "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW" (Nghị quyết số 66-NQ/TW).
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu sâu sắc và tâm huyết, đây là cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi chúng ta phải hành động với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, không để tư duy cũ, lối làm việc hình thức, thụ động cản trở tiến trình phát triển. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách về vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự nghiệp phát triển đất nước; (ii) Đột phá tư duy phát triển, xóa bỏ mọi rào cản nhận thức lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm; (iii) Củng cố quyết tâm chính trị, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống về chủ trương lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của phát triển; (iv) Hoàn thiện thể chế, chủ động tháo gỡ các rào cản pháp lý, hành chính, tạo lập môi trường thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch hành động thiết thực; đồng thời xác định trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm sự chuyển biến thực chất trong toàn hệ thống.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025:
Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể;
Thứ hai, khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW;
Thứ ba, khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Thứ tư, tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới;
Thứ năm, thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;
Thứ sáu, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết;
Thứ bảy, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết;
Thứ tám, đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì“biết đồng sức, biết đồng lòng/Việc gì khó, làm cũng xong”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia; thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển.
Tổng Bí thư khẳng định, trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.
Thúy Hiên – Bảo Toàn
Trung tâm Khuyến nông quốc gia