Nhiều năm liền Đảng bộ Bộ được đánh giá trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảng bộ Bộ cùng với tập thể Ban cán sự Đảng Bộ, lãnh đạo Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, gương mẫu, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả đã đóng góp quan trọng trong sự phát triển bền vững của Ngành nông nghiệp và PTNT trong hành trình đổi mới và hội nhập. Và để có nguồn cán bộ, đảng viên tốt thì công tác đào tạo, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các quần chúng ưu tú là rất quan trọng, đây chính là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác đào tạo cán bộ, cũng là yêu cầu khách quan trong công tác xây dựng Đảng và nâng cao chất lượng công tác kết nạp Đảng, bổ sung nguồn lực cho Đảng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ phát biểu bế giảng Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2023 

Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ủy Bộ đã tổ chức 07 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 649 quần chúng ưu tú. Trong đó đã kết nạp được 400 đảng viên mới. Trong Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, ngoài các chuyên đề do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn gồm: (i) Khái lược lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; (ii) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội; (iii) Nội dung cơ bản của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam; (iv) Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (v) Phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì Đảng ủy Bộ luôn thiết kế, xây dựng các chuyên đề bổ sung, các hoạt động học tập nghiên cứu tìm hiểu thực tế, các hoạt động ngoại khóa về nguồn.

Năm 2024, Đảng ủy Bộ đã mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 69 quần chúng ưu tú (từ 11/3/2024 đến 15/3/2024). Ngày 14/3/2024, Lớp học đã tổ chức chương trình thăm quan, tìm hiểu về nguồn tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Khu Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

leftcenterrightdel
 Lớp học tham quan, tìm hiểu Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò
leftcenterrightdel
Lớp học nghe báo cáo viên giới thiệu về Khu Di tích quốc gia Văn Miếu – Quốc Tử Giám 

Qua hoạt động nghiên cứu, học tập ngoại khóa, các học viên có dịp hiểu biết sâu hơn về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử giám. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thành Tông, đến năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Trường Quốc Tử giám ở bên cạnh Văn miếu, đây là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Hay Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng năm 1896 ở khu đất thuộc làng Hỏa Lò. Với tính chất là nhà giam, nhà pháp lý, nhà trừng giới, nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp trang bị hết sức tối tân với các công cụ dùng cho các hình phạt nặng nề và hiểm độc nhất với tù nhân, đặc biệt các tù nhân là những chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Tại đây, nhà cầm quyền thực dân cho áp dụng một chế độ nhà tù hà khắc, dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, đánh đập dã man và giam cầm hàng vạn lượt chiến sĩ yêu nước và các nhà cách mạng Việt Nam. Nhiều nhà cách mạng đã phải hy sinh, nhưng ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước không hề khuất phục. Họ đã biến nhà tù thành trường học, nơi giác ngộ tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng.

 

Hoạt động ngoại khóa thực tế đã giúp các học viên bổ sung thêm nhiều kiến thức quý báu, góp phần nâng cao nhận thức sâu sắc về lịch sử truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam, từ đó nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp niềm tin cho mỗi học viên về Đảng Cộng sản Việt Nam, về chế độ Xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Qua đó xác định được phương hướng, mục tiêu phấn đấu để trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Lê Thành Công

Văn phòng Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và PTNT