Tọa đàm có sự tham gia của hơn 60 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ đại diện cho một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo, cán bộ phụ trách chăn nuôi, thủy sản của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và 40 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, tọa đàm còn có sự tham gia Ban cố vấn của PGS.TS Phạm Công Hoạt - CVCC, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đến dự và đưa tin còn có Đài Phát thanh - Truyền hình và Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.

leftcenterrightdel
Chủ tọa và Ban cố vấn trả lời các câu hỏi thảo luận tại tọa đàm 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 02 báo cáo tham luận về “Sử dụng thức ăn bổ sung thảo dược để nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển chăn nuôi bền vững”“Giải pháp phát triển chăn nuôi sinh học”. Các đại biểu cũng đã được các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và các hộ nông dân chia sẻ về những kiến thức khoa học kỹ thuật, những chính sách của Trung ương, của tỉnh Bắc Ninh liên quan đến chủ đề.

Đặc biệt, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về tác dụng và hiệu quả của các loại kháng sinh tự nhiên, cách điều chế một số kháng sinh tự nhiên đơn giản tại gia đình giúp vật nuôi khỏe mạnh, mau lớn. Đã có 12 câu hỏi được đưa ra để thảo luận và đã được các nhà quản lý, nhà khoa học trả lời ngay tại tọa đàm. Đa số các câu hỏi được hỏi về kỹ thuật chăn nuôi thảo dược, chăn nuôi an toàn sinh học, các loại kháng sinh tự nhiên, kháng sinh thay thế, cách phòng trị bệnh trong phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.  

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hồng Quang - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Tham dự và chủ trì tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị mỗi đại biểu tham dự sẽ là những hạt nhân tuyên truyền sâu rộng tới người chăn nuôi góp phần đưa chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững và hiệu quả trở thành thế mạnh trong ngành nông nghiệp. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, các hợp tác xã và các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt một số nội dung: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, các chủ trang trại, HTX, cơ sở sản xuất, các hộ chăn nuôi nắm bắt và tiếp cận được với chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nói chung và chính sách phát triển chăn nuôi, thủy sản nói riêng đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; Làm tốt công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăn nuôi, thủy sản, các cơ sở sản xuất, chủ trang trại, HTX, hộ gia đình… nâng cao năng lực quản lý, trình độ canh tác góp phần hình thành tư duy mới trong sản xuất; Tiếp tục ổn định duy trì và phát triển đàn vật nuôi hiện có, tập trung rà soát quy hoạch các vùng chăn nuôi quy mô tập trung ngoài khu dân cư; đẩy mạnh sản xuất nuôi trồng theo hướng tập trung, tạo vùng hàng hóa lớn để thuận lợi cho việc quản lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hiệu sản phẩm, khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến thành phẩm; Đối với các cơ sở, HTX, hộ sản xuất cần nâng cao nhận thức trong việc chăn nuôi, các sản phẩm sản xuất ra phải minh chứng được nguồn gốc, xuất xứ, sản xuất có sự giám sát ban đầu (đầu vào) cho đến sản phẩm cuối cùng và những tác động đến môi trường sinh thái; Làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, gương điển hình trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh truyền hình, Báo, Internet… để mọi người học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Đỗ Thị Vui

Trung tâm Khuyến nông và PTNN CNC Bắc Ninh