Tham dự toạ đàm có đại biểu là lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hoà Bình; một số số đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT; các doanh nghiệp; đại diện phòng Nông nghiệp & PTNT, trung tâm DVNN các huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Yên Thuỷ, Tân Lạc và 120 nông dân các xã: Xuân Thuỷ (Kim Bôi), Ngọc Mỹ (Tân Lạc), Yên Trị (Yên Thuỷ), Hiền Lương (Đà Bắc).

 

Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản và xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp, nhất là khi thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do đó, trong thời gian qua ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình đã tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, gắn kết chặt chẽ công tác quản lý vật tư nông nghiệp với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hướng dẫn việc thực hiện quy định quản lý sản xuất an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo ATTTP; xây dựng các mô hình trồng trọt theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản; nâng cao hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thuỷ sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận, xác nhận an toàn.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

 

Tính đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ tư vấn và chứng nhận quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ tại 105 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó có 14 cơ sở trồng trọt được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, 55 cơ sở trồng trọt được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở trồng trọt được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; 23 cơ sở chăn nuôi chứng nhận VietGAP… và đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn với 73 chuỗi; 14 cơ sở được sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

 

Các hoạt động cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chứng nhận nhãn hiệu, quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn được tăng cường thực hiện có hiệu quả. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các sản phẩm nông sản thực phẩm và các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm; đã tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý theo quy định. Công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp được thắt chặt, đảm bảo yêu cầu đầu vào cho sản xuất.

 

Nhiều nông sản lợi thế của tỉnh như cam, bưởi, rau hữu cơ, cá lòng hồ Hòa Bình… đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn như: Big C, Winmart, CoopMart, các cửa hàng thực phẩm sạch. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý vật tư nông nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản và xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân bón, các chất kích thích sinh trưởng vẫn còn diễn ra; công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn ít, chưa triển khai đồng bộ, thường xuyên; nhận thức của người dân về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm vật tư nông nghiệp còn hạn chế…

 

Tại tọa đàm, nhiều câu hỏi liên quan đến đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh ATTP nông lâm thuỷ sản đã được đặt ra, như: quy trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP; hệ thống tưới tiêu, hệ thống đầu tư cơ bản trong sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, cách nhận biết chất lượng vật tư nông nghiệp… Các câu hỏi đã được Ban cố vấn tọa đàm nhiệt tình giải đáp.

 

Thông qua toạ đàm, các hộ nông dân, sản xuất kinh doanh đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản và xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Qua đó, giúp bà con xây dựng được nhiều mô hình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, mô hình chuỗi sản xuất nông sản an toàn...nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng các quy định về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, nâng cao và ổn định hiệu quả sản xuất./.

Đức Hưng

Trung tâm Khuyến nông Hoà Bình