Theo báo cáo của Cục Thuỷ sản, tính đến tháng 11 năm 2024 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 730 nghìn ha; tổng sản lượng khoảng 1.103 nghìn tấn (bằng 104,6 % so với cùng kỳ năm 2023). Nhu cầu thu mua và giá tôm nguyên liệu tại ao có tín hiệu tăng trong nửa đầu tháng 9/2024. Hiện nay, đang là thời điểm thu hoạch rộ của tôm nuôi vùng ĐBSCL.
Về tình hình dịch bệnh, báo cáo của Cục Thú y cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là khoảng 22.269 ha (chủ yếu là tôm nước lợ), giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất hiện 2 loại bệnh chủ yếu là bệnh hoại tử gan tuỵ và bệnh đốm trắng.
Toạ đàm đã thu hút được hơn 150 đại biểu là các cơ quan quản lý, đơn vị chuyển giao, cán bộ khuyến nông, các doanh nghiệp và bà con nông dân nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre tham dự. Toạ đàm cho thấy được một bức tranh toàn cảnh về nghề nuôi tôm, các lợi thế, khó khăn từ môi trường, con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, cấp mã số, quy hoạch vùng nuôi, chất thải, dịch bệnh, thị trường trong nước và xuất khẩu… và nhiều thách thức đối với nghề nuôi tôm.
Tại toạ đàm, bà con nông dân đã trao đổi nhiều nội dung và được các chuyên gia chia sẻ giải đáp. Đặc biệt bà con rất quan tâm đến tiến bộ kỹ thuật “Giải pháp tối ưu dinh dưỡng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường theo quy trình Grofarm” của Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam do Cục Thuỷ sản công nhận ngày 30/9/2024.
Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Hồng Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tổng kết lại như sau:
1. Địa phương cần khẩn trương cấp mã số vùng nuôi tôm theo quy định (Luật Thuỷ sản 2017). Đảm bảo nuôi tôm phải theo quy hoạch để thuận lợi cho chăm sóc quản lý môi trường, dịch bệnh, giảm thiệt hại cho bà con nông dân.
2. Hoàn thiện hệ thống kênh mương cấp thoát nước đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản
3. Quản lý tốt chất lượng con giống và các loại vật tư đầu vào. Kịp thời xử lý các sản phẩm tôm giống, thức ăn, thuốc hoá chất không đảm bảo chất lượng để bảo vệ người nông dân.
4. Đa dạng các hình thức nuôi, lựa chọn các mô hình nuôi thông minh thích ứng với điều kiện lợi thế của địa phương: tôm lúa, tôm rừng…
5. Quan trắc cảnh báo môi trường, khuyến cáo bà con nuôi tôm cần tuân thủ theo lịch mùa vụ thả nuôi đặc biệt các mô hình nuôi tôm lúa, tôm rừng ngập mặn
6. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, mô hình HTX, tổ hợp tác “Khuyến nông nông phải thể hiện được vai trò vị trí trung tâm trong liên kết sản xuất cụ thể là thành viên các tổ Khuyến nông cộng đồng”
7. Tăng cường hợp tác công tư, phối hợp chuyển giao Tiến bộ khoa học kỹ thuật với cho bà con nông dân. Đặc biệt các giải pháp công nghệ “Giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả”. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm không thể thiếu sự đồng hành của các Doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ, thức ăn, con giống vật tư đầu vào và đơn vị thu mua chế biến xuất khẩu.
8. Tăng cường truyền thông giới thiệu các mô hình nuôi tôm hiệu quả thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để nhân rộng.
|
|
Ông Hoàng Văn Hồng - PGĐ TTKNQG tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu các giải pháp công nghệ tại toạ đàm |
Đặng Xuân Trường
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia