Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 230 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa đồng chủ trì Diễn đàn.

Việt Nam là quốc gia ven biển và có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội từ biển. Đáng chú ý là những lợi thế về vị trí địa lý do bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260 km với trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển. Tiềm năng nuôi hải sản trên biển của Việt Nam là rất lớn nhưng chưa khai thác được nhiều. Do vậy, nuôi biển là một trong những hướng đi quan trọng cho ngành thủy sản, cần được đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

Nuôi hải sản trên biển có nhiều hình thức: nuôi lồng, nuôi bãi triều, nuôi dây cọc. Các đối tượng nuôi cũng rất phong phú, đa dạng như: cá biển, giáp xác, nhuyễn thể, rong biển... Trong đó, nuôi lồng được coi là một hình thức thông dụng, thích ứng và hiệu quả nhất với người nuôi biển gần và xa bờ. Hiện nay, hình thức nuôi lồng đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2021 cả nước có 9.000 ha diện tích nuôi biển, trong đó thể tích lồng nuôi là 4 triệu m3; sản lượng đạt 57.837 tấn. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển cả nước đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn và đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn.

Các đại biểu đã đi tham quan mô hình nuôi cá chim vây vàng và mô hình nuôi cá bớp bằng lồng nhựa HDPE tại xã Vạn Giã, huyện Vạn Ninh

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã đi thăm quan mô hình nuôi cá chim vây vàng và mô hình nuôi cá bớp bằng lồng nhựa HDPE có gắn camera và thiết bị định vị tại huyện Vạn Ninh. Đây là mô hình áp dụng công nghệ mới có nhiều ưu điểm nổi trội so với mô hình nuôi lồng gỗ truyền thống, đặc biệt là trong điều kiện sóng lớn, mưa bão.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, bờ biển nước ta dài, rất đa dạng phong phú và thích hợp với nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, ngư dân cần tư duy hình thành sản xuất nông nghiệp, nhìn nông nghiệp với tư duy kinh tế, tư duy tạo ra giá trị gia tăng kinh tế. Diễn đàn là cơ hội tốt để các cấp, ban, ngành và người dân cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất trong việc phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung có nhiều điều kiện tự nhiên và lợi thế để phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển. Trong thời gian tới UBND các tỉnh sẽ tham mưu về đề xuất với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhiều giải pháp và chính sách cụ thể nhằm phát triển mở rộng nghề nuôi biển nói chung và nuôi lồng bè nói riêng. Bên cạnh đó, các tỉnh sẽ ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng về nghề nuôi biển nhằm khai khác tối đa tiềm năng, lợi thế tại mỗi địa phương.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Xây dựng đề án phát triển vùng nuôi; Quy hoạch, xây dựng vùng nuôi; Quản lý và tổ chức sản xuất; Các quy định về cấp phép giao mặt nước cho người dân; Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; Việc sản xuất, cung ứng con giống phục vụ nuôi biển; Áp dụng công nghệ mới, vật liệu nuôi biển thích hợp và kỹ thuật lắp đặt; Phòng chống dịch bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu; Công tác tào đạo nguồn nhân lực, tập huấn cho người nông dân; Liên kết với doanh nghiệp trong dịch vụ cứng ứng đầu vào và liên kết tiêu thụ đầu ra; Mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; Thiết lập chương trình kiểm soát môi trường và an ninh biển...

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thảo luận với chuyên gia tại mô hình

 

Tổng kết diễn đàn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng chia sẻ: Phạm vi của diễn đàn đã giúp cho các đại biểu và người sản xuất hiểu rõ hơn về các vấn đề cần quan tâm khi phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Nông nghiêp và PTNT giao, hệ thống Khuyến nông Việt Nam trong những năm vừa qua đang nỗ lực cố gắng triển khai các giải pháp, tổ chức và nhân rộng các mô hình nuôi trồng hải sản tiêu biểu đến với đông đảo người dân trên địa bàn cả nước, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững và có trách nhiệm./.

Hoàng Phương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia