Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10.308 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 4,65 % so năm 2022; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,77 % cơ cấu GRDP của tỉnh. Cơ cấu GRDP theo giá hiện hành: Nông nghiệp 77,1%; lâm nghiệp 20,1%; thủy sản 2,8%. GRDP đứng thứ 5 khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Từ việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, năm 2023, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Về lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lương thực 34,4 vạn tấn, đạt 101,3 % kế hoạch, lương thực bình quân đầu người trên 420 kg/người/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Tập trung nâng cao năng suất, giá trị cây trồng hàng hóa chủ lực, giá trị sản phẩm thu được bình quân 01 ha đất trồng trọt đạt 108,24 triệu đồng/năm, tăng 1,12 lần so với năm 2020. Duy trì trên 3.825 ha cây trồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ) trong đó cây cam 1.657 ha; cây chè 1.319 ha; cây bưởi 470 ha...

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo UBND tỉnh tham quan trưng bày sản phẩm OCOP

Trong lĩnh vực thủy sản, đã đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 3.097 ha, đạt 100 % kế hoạch; tổng số lồng nuôi thủy sản là 2.460 lồng, đạt 101 % kế hoạch, trong đó số lồng nuôi cá đặc sản 1.258 lồng. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 11.875 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản 1.820 tấn. Công tác sản xuất giống thủy sản được chú trọng, đảm bảo phục vụ sản xuất, trong năm đã sản xuất được 36,6 triệu con cá giống đạt 107 % kế hoạch.

Đối với lâm nghiệp, toàn tỉnh trồng trên 11.648 ha rừng, đạt 115,3 % kế hoạch; trong đó trồng rừng tập trung trên 11.141 ha, trồng cây phân tán trên 507 ha; khai thác rừng trồng được 10.700 ha với trên 1 triệu m3 gỗ, đạt trên 102 % kế hoạch. Thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, toàn tỉnh đã trồng được trên 1.427 nghìn cây, đạt 118,97 % kế hoạch năm 2023; luỹ kế giai đoạn 2021 - 2025 đã trồng trên 5 triệu cây, đạt trên 87 % kế hoạch.

Hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh với tổng diện tích trên 2.662 ha, số hộ gia đình được hỗ trợ 1.745 hộ, tổng kinh phí thực hiện trên 11 tỷ 241 triệu đồng. Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC trên địa bàn tỉnh đến nay đạt trên 48.786 ha. Đặc biệt là tập trung triển khai xây dựng Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất và chế biến gỗ.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển. Toàn tỉnh có 444 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản. Các HTX hoạt động có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, đã tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm. 104 HTX có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Có 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm. Hết năm 2023 toàn tỉnh có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vượt 7,8 % mục tiêu giai đoạn 2021-2025; đã có 120/138 xã phường thị trấn có sản phẩm OCOP, đạt 87 % mục tiêu đến năm 2025; điển hình có 2 huyện Sơn Dương và Na Hang đã có 100 % xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về tổng số lượng sản phẩm.

leftcenterrightdel
 Chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ớt tại xã Hoàng Khai Yên Sơn

Hoạt động khuyến nông trong năm có nhiều đổi mới, nhiều mô hình trình diễn giống mới, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát huy hiệu quả. Đã thực hiện được 89 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, với tổng diện tích thực hiện 457 ha. 05 dự án, trong đó 02 dự án nguồn khoa học và công nghệ tỉnh, 02 dự án nguồn Khuyến nông Quốc gia, 01 dự án nguồn của tổ chức phi chính phủ. Kết nối với 10 doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ được 19.967,4 tấn sản phẩm nông sản.

Cùng với đó, Công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay đã hoàn thiện phần mềm và được cấp tên miền đối với Hệ thống thông tin CSDL ngành nông nghiệp, nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023; tổ chức, triển khai thực hiện Dự án: “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025", đã cấp được 02 mã số cơ sở đóng gói của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm và Tổ Hợp tác Hương chè Vĩnh Tân đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường EU và cấp 10 mã số vùng trồng cho các sản phẩm khác.

Những mục tiêu phía trước

Năm 2024, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp, là năm bứt phá để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất và chế biến gỗ; hỗ trợ củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hướng dẫn tổ chức chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt nhiệm vụ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và hợp tác xã.

Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đạt 11.310 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Trồng rừng 10.500 ha, trong đó trồng rừng tập trung 10.100 ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1.200.000 m3; làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 65%. Duy trì, giữ vững 74 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024./.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang