leftcenterrightdel
Ban chủ tọa Diễn đàn

Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH. Tùy vào điều kiện của từng vùng, từng khu vực, BĐKH có những biểu hiện, gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế.

 

Chỉ tính trong 3 năm gần đây, từ năm 2021- 2023, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng. Riêng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, phần lớn trong điều kiện tự nhiên (ngoài trời) nên thường chịu tác động trực tiếp và nặng nề của thiên tai. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, năm 2021, thiên tai làm trên 190.736 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại; 374.672 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Năm 2022, thiên tai làm 394.030 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại; 892.706 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 9.895 lồng bè hư hỏng, cuốn trôi; 25.306 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại. Năm 2023, thiên tai làm 219.648 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại; 287.303 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 252 chiếc lồng bè hư hỏng, cuốn trôi; 4.312 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại. 8 tháng của năm 2024, thiên tai làm 80.632 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại; 59.218 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 39 chiếc lồng bè hư hỏng, cuốn trôi; 2.279 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại.

 

Đứng trước những tác động tiêu cực của BĐKH, việc xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó và thích ứng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tiên quyết góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

 

Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, giải pháp trong thời gian tới là cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bổ sung lắp đặt trạm đo mưa tự động, hệ thống quan trắc chuyên dùng của các ngành, địa phương; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng hồ chứa mới, bổ sung dung tích phòng lũ cho một số hồ trên các lưu vực sông; rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đê biển theo hướng nâng cao mức đảm bảo an toàn với bão, triều cho một số khu vực; đầu tư kinh phí củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, cửa sông xung yếu, đảm bảo chống bão theo tiêu chuẩn thiết kế.

 

Tại Diễn đàn, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn kết hợp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hàng loạt các giải pháp kỹ thuật đã được các chuyên gia khuyến cáo, đưa vào sản xuất phù hợp với từng loại hình thiên tai. Một số giải pháp được chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trồng rừng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh, chăm sóc vật nuôi trong từng điều kiện thời tiết, đảm bảo vật nuôi tiêm vắc-xin để phòng bệnh cho vật nuôi, gia cố hệ thống đê điều, chú ý lựa chọn giống, thời vụ, kỹ thuật canh tác phù hợp...

 

Tỉnh Quảng Bình, do vị trí đặc biệt về địa lý và yếu tố địa hình nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, dông sét, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, rét hại, rét đậm, sạt, xói lở bờ sông, bờ biển. Quảng Bình đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình sinh kế cho người dân với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH và khôi phục sản xuất sau thiên tai. Một số mô hình được kể đến tại Diễn đàn như: mô hình trồng bí ngô trên vùng đất bồi lắng nhằm khôi phục sản xuất sau cơ bão lịch sử năm 2020; mô hình trồng cây dừa xiêm thích ứng với điều kiện nhiễm mặn của địa phương; chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm Israel nhằm tiết kiệm nước; mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP như dưa lưới, dưa chuột, mướp đắng, các loại rau ăn lá giá trị cao trong nhà lưới có áp dụng các công nghệ theo dõi, tưới tiêu chủ động; mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản với hệ thống chuồng nuôi có thể di chuyển được khi có lũ; các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, nuôi chồng sàn, nuôi chuồng kín, nuôi trên nền đệm lót sinh học trên các đối tượng quen thuộc như lợn, gà, vịt và các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như chồn hương được triển khai tại nhiều địa phương; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi 2 giai đoạn, nuôi cá dìa xen tôm... trên vùng đất có nguy cơ nhiễm mặn, đất lúa kém hiệu quả và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn hạn chế được dịch bệnh, thích ứng với những biến động về thời tiết...

 

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình Hà Xuân Đàn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp của tỉnh, bao gồm: Hỗ trợ tỉnh kinh phí sửa chữa xây dựng nâng cấp các công trình hồ đập chứa nước phục vụ phòng chống thiên tai và đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều bảo vệ sản xuất; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu thoát nước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng; triển khai phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

 

leftcenterrightdel
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu kết luận Diễn đàn 

Kết luận Diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh tuy chúng ta đã nhận dạng, hiểu biết được khá rõ các loại hình thiên tại nhưng chúng ta không thể chủ quan với diễn biến phức tạp của BĐKH. Hiện nay, với những kết quả nghiên cứu, chuyển giao của các cơ quan chuyên môn trong nước cũng như quốc tế, đã có cơ bản các bộ giải pháp ứng với từng loại hình thiên tai, có thể giúp người nông dân sản xuất ứng phó, thích ứng với thiên tai. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với Trung tâm địa phương sẽ phân loại, khu vực hóa những giải pháp, tiến bộ kỹ thuật giúp bà con dễ dàng lựa chọn áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm KNQG sẽ phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai xây dựng bộ tài liệu tổng hợp các giải pháp với mong muốn đó sẽ là cẩm nang hướng dẫn người sản xuất thích ứng với BĐKH.

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu tham quan mô hình trồng măng tre Lục trúc tại trang trại Đức Thành tại thôn Trảng Bàng, xã Hoà Thạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Đây là mô hình tiêu biểu cho việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh. Cây tre lục trúc rất hợp với khí hậu khắc nghiệt cũng như thổ nhưỡng ở vùng gò đồi. Cây tre thấp, thân dẻo, chống chịu được gió bão. Lá tre khép tán cũng hạn chế được việc đất đồi bị rửa trôi, xói lở. Mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20 - 30 cây, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15 - 30kg măng tươi, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Các đại biểu thăm mô hình trồng măng tre Lục trúc - mô hình tiêu biểu cho việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Xem thêm tin, bài về Diễn đàn:

Báo Nhân dân

Cổng Thông tin VTV

Báo Dân Việt

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Thông tấn xã Việt Nam

Báo Quảng Bình

 Hoa Trà