Qua 15 năm thực hiện Nghị Quyết số 40/NQ-CP ngày 24/ 08/ 2009 của Chính phủ về việc thành lập thị xã Tân Châu, lĩnh vực nông nghiệp luôn là trọng điểm được quan tâm đầu tư. Đặc biệt ngành nông nghiệp đã tiến hành quy hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái đạt chuẩn an toàn với diện tích 1.400 hecta. Đóng góp vào thành công đó có vai trò của công tác khuyến nông. Từ năm 2009 đến tháng 9/2024, Trạm Khuyến nông thị xã đã thực hiện 217 lớp tập huấn cho nông dân; 145 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng thực hiện 246 mô hình trình diễn từ nguồn kinh phí sự nghiệp, 11 mô hình phối hợp với các viện, công ty và 11 dự án. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông thị xã đã xây dựng và thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã xây dựng được 22 mô hình và thực hiện 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trên lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản.

leftcenterrightdel
 Trạm Khuyến nông Tân Châu đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

 

Ông Trần Châu Phương Tuấn – Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu – tỉnh An Giang cho biết thêm: “Nhiều mô hình đang triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất làm thay đổi tư duy sản xuất, tập quán, thói quen canh tác của nông dân, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 hecta đạt khoảng 182 triệu đồng/năm, tăng trên 100 triệu đồng so với năm 2009”.

 

Có thể thấy rằng, 15 năm qua, từ những lớp tập huấn, những mô hình được triển khai đã giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất, từ truyền thống sang tiếp cận, ứng dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng như cầu thị trường và đời sống nông dân cũng được nâng lên rõ rệt.

 

Mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp hướng thịt kết hợp chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm môi trường tại hộ anh Nguyễn Quốc Bình, khóm Long Châu, phường Long Châu thực hiện từ năm 2022. Mô hình vừa đảm bảo cung ứng ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Mô hình của anh Bình còn tận dụng phụ phẩm cá, cám bắp, bã đậu nành phối trộn và chế biến thức ăn cho vịt, giúp giảm chi phí về thức ăn, qua đó, giúp giảm chi phí về giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận.

 

Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, với lợi thế vị trí địa lí của thị xã nơi đầu nguồn Sông Tiền, nguồn nước dồi dào, phù sa phì nhiêu, tận dụng lợi thế sẵn có phát triển chăn nuôi thủy sản, anh Nguyễn Quốc Bình đã chuyển sang ươm, bán giống cá mè Vinh. Nếu như ban đầu, anh Bình nuôi 1 bè cá 128m2, đến nay đã nhân lên 04 bè cá, sau 03 tháng ương nuôi với khoảng 300 kg giống ban đầu sẽ thu hoạch được 02 tấn cá giống. Anh Bình cũng chủ động tạo nguồn thức ăn cho cá từ các nguyên liệu phụ phẩm sẵn có tại địa phương, từ đó, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

 

Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương, hoạt động khuyến nông lựa chọn những chương trình trọng điểm trên tất cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Do vậy các chương trình khuyến nông luôn nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của bà con nông dân; nhiều mô hình được nhân rộng, có tác động tích cực đối với sản xuất và đời sống của nông dân.

leftcenterrightdel
Hoạt động khuyến nông lựa chọn những chương trình trọng điểm tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương  

 

Tuy nhiên, công tác khuyến nông vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Bên cạnh những khó khăn khách quan như điều kiện thời tiết khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao… thì vấn đề kinh phí đầu tư cho khuyến nông còn hạn chế. Do đó công tác khuyến nông chỉ thực hiện với quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ và công nghệ trung bình khá. Một số mô hình triển khai đạt hiệu quả về kỹ thuật nhưng chưa thể đánh giá đúng về hiệu quả kinh tế nên chưa làm thay đổi nhiều về tư duy của người sản xuất, gây khó khăn trong nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, đối với các mô hình khuyến nông về ứng dụng công nghệ cao, quy mô trang trại chưa thực hiện được do đòi hỏi khoản chi phí hỗ trợ lớn, điều kiện kinh tế của một bộ phận nông dân còn hạn chế nên ngại đầu tư.

 

Trước những khó khăn được xác định, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của từng cán bộ, Trạm Khuyến nông thị xã cũng đã đề ra những giải pháp, phương hướng cụ thể trong thời gian tới, như quan tâm công tác đánh giá, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản. Đây là cơ sở để giúp người nông dân nghiên cứu, điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản, là cơ sở thiết lập chuỗi sản xuất theo từng ngành hàng và thực hiện liên kết giữa người sản xuất và người chế biến, tiêu thụ, đảm bảo được nguồn cung – cầu phù hợp với nhu cầu thị trường.

 

“Công tác khuyến nông tiếp tục đổi mới đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp của thị xã. Trạm Khuyến nông sẽ chú trọng công tác lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng thị trường, có khả năng nhân rộng, liên kết tiêu thụ phù hợp từng xã của địa phương. Ngoài ra, tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung triển khai sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các mô hình khuyến nông có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống đài truyền thanh thị xã, xã, phường.  Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ công tác khuyến nông, đảm bảo tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất một cách có hiệu quả. Tổ chức nhiều cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất tiên tiến ở các địa phương để tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền và chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, ứng dụng một cách có hiệu quả trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thị xã”, ông Trần Châu Phương Tuấn – Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ công tác khuyến nông 

 

Tin chắc rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết và đồng hành cùng nông dân của Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu – tỉnh An Giang sẽ là nhân tố quan trọng cùng những kết quả nổi bật qua 15 năm thực hiện công tác khuyến nông trên địa bàn thị xã là nền tảng để thị xã vùng biên của tỉnh An Giang tiếp tục tạo sức bật trong những năm tiếp theo, hướng đến phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững, hiện đại và hội nhập.

Huyền Thoại

Đài TT Tân Châu, An Giang