Tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 130 nghìn con trâu, bò, trên 557 nghìn con lợn và 7,2 triệu con gia cầm… Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và đói, rét khi bước vào đầu vụ thu đông, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng phương án phòng chống đói rét cho trâu bò và chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi trồng, chăm sóc cây thức ăn cho trâu, bò đảm bảo diện tích 300 m2/01 con; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ thân cây ngô, lá mía chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô để nơi có mái che và có chuồng trại, lán tạm cho trâu bò trong mùa đông; nuôi nhốt hoàn toàn trâu, bò tại chuồng khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.

Huyện Na Hang hiện có tổng đàn trâu 10.770 con, trên 3.500 con bò, gần 40.000 con lợn... Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Theo dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại. Để chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc trên địa bàn, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các phương án, phân công cán bộ phụ trách nông nghiệp thường xuyên bám nắm c ơ sở, tuyền truyền cho bà con về thời tiết rét đậm, rét hại. Hướng dẫn người chăn nuôi trồng cây ngô đảm bảo diện tích, chăm sóc số diện tích cây thức ăn (cỏ voi, cỏ ghi nê, cỏ VA06...) để có đủ thức ăn cho trâu, bò; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô đánh thành cây (cây rơm) để sử dụng cho đàn trâu, bò ăn trong vụ đông.

Xã Hồng Thái (Na Hang) có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ ở đây xuống rất thấp trong mùa đông. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã có gần 5.000 con. Ngay từ đầu mùa đông, UBND xã đã triển khai kế hoạch chỉ đạo các thôn, bản tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình diễn biến thời tiết, từ đó chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình chuẩn bị tốt các điều kiện về vệ sinh chuồng trại, nguồn thức ăn khi lượng cỏ trong tự nhiên khan hiếm. Che chắn chuồng trại, sử dụng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải... để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội.

Ông Lý Văn Sài, thôn Khuẩy Phầy cho biết, gia đình hiện có 30 con trâu nên ngay từ đầu mùa đông ông đã chủ động mua bạt che kín khu chuồng nuôi, thường xuyên giữ chuồng trại chăn nuôi khô ráo. Thực hiện hun trấu, đốt củi để tăng nhiệt độ khu vực chăn nuôi. Ngoài chuẩn bị thức ăn tươi từ cỏ voi, ông còn dự trữ rơm khô, ủ chua ngô sinh khối để làm thức ăn cho vật nuôi vào những ngày giá rét.  

Với quy mô nuôi hơn 700 con gà mỗi lứa, ông Lê Đại Dương, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) luôn chú trọng việc phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gà của gia đình. Ông Dương chia sẻ: “Những ngày này, nhiệt độ xuống thấp nên tôi nhốt gà trong chuồng và dùng lưới đen che xung quanh chuồng trại. Chuồng gà con được thắp điện sưởi ấm 24/24. Nhiệt độ xuống thấp kèm theo ẩm khiến gà dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa…”. Trước đó gia đình ông tiêm phòng đầy đủ vắc - xin cho đàn gà, bổ sung thêm vitamin vào thức ăn để bảo đảm giá trị dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

leftcenterrightdel

Cán bộ KN kiểm tra phòng chống đối rét cho trâu bò tại xã Trung Sơn (Yên Sơn)

Từ nay cho đến Tết Nguyên đán, theo dự báo, thời tiết sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhiệt độ có thể xuống thấp, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Thêm vào đó, việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao dịp cuối năm nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh tăng cao. Các địa phương tập trung vận động nhân dân không chăn thả tự do và làm việc khi xảy ra rét hại; dùng các loại chăn, áo cũ hoặc các vật liệu khác để giữ ấm; chủ động nguồn thức ăn, tăng thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, giữ trâu bò tại chuồng, không chăn thả ngoài trời. Tăng cường công tác phòng bệnh, vệ sinh định kỳ, phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi; thực hiện việc tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ thú y địa phương để giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gia súc, gia cầm thất thoát trong mùa đông…

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang