Đại diện IRRI, DLG và các đơn vị liên quan khảo sát chọn điểm tổ chức sự kiện

 

Sự kiện được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG). Địa điểm tổ chức sự kiện dự kiến tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và một số điểm tại thành phố Cần Thơ. Theo đó, dự kiến sự kiện sẽ có sự tham gia của 10 quốc gia, trên 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước, tại sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động như tổ chức trình diễn thực địa các loại máy nông nghiệp nghiệp tiên tiến như máy kéo mới, máy làm đất, máy san phẳng laser, sạ, cấy, thiết bị bay,…; triển lãm, trưng bày máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp cho khoảng 3-4 nghìn khách tham quan và 3-5 nghìn nông dân tham dự.

Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng sẽ tổ chức nhiều hội nghị khoa học, hội thảo chuyên đề. Mặc dù đang trong quá trình chuẩn bị, sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ giới hóa, nông nghiệp số và công nghệ cao mong muốn tham dự trình diễn, trưng bày, giới thiệu về sản phẩm.

Để chuẩn bị cho sự kiện, hôm nay (18/3/2022), Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cũng đại diện các đơn vị đã có buổi làm việc với UBND Tp. Cần Thơ để thống nhất phương án tổ chức sự kiện. Tham gia buổi làm việc cũng có các doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng sự kiện như Công ty phân bón Bình Điền, Tập đoàn Lộc Trời,…

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Theo ban tổ chức, dự kiến sự kiện tổ chức từ ngày 24 đến ngày 26/8 với những hoạt đông chính như sau:

Ngày 24/8 sẽ diễn ra Hội nghị Quốc tế về công nghệ, máy và thiết bị nông nghiệp với sự tham gia của 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà khuyến nông, nhà hoạch định chính sách, chủ sở hữu máy móc, nhà cung cấp dịch vụ cơ giới hóa. Ngày này cũng sẽ có buổi hội thảo báo cáo các sáng kiến/kết quả của dự án CORIGAP (Thu hẹp khoảng cách năng suất và giảm tác động môi trường trong sản xuất lúa gạo Châu Á).

Trong hai ngày 25 và 26/8 sẽ dành cho việc trình diễn các mô hình thực hành tốt về sản xuất lúa gạo như mô hình sản xuất lúa gạo  bền vững SRP; mô hình “đồng ruộng không dấu chân”, cơ giới hoá đồng bộ  và sử dụng thiết bị bay không người lái cho bón phân phun thuốc; mô hình canh tác lúa thông minh, cơ giới hoá đồng bộ và sử dụng thiết bị bay không người lái cho bón phân phun thuốc, bón phân đúng liều, lượng và thời điểm; mô hình gieo xạ chính xác: sử dụng máy sạ hàng, sạ cụm chính xác giảm giống và phân bón;… Phần trình diễn các thiết bị, máy móc nông nghiệp hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như các hội thảo chuyên đề cũng sẽ được tổ chức lồng ghép. Dự kiến quy mô của chuỗi hoạt động này sẽ thu hút sự tham dự của 3-4 nghìn nông dân cùng nhiều đại biểu quốc tế.

Mặt bằng dự kiến tổ chức tại Viện Lúa ĐBSCL

 

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhấn mạnh: Tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí sản xuất là những lợi ích mà việc áp dụng cơ giới hóa đem lại trong sản xuất nông nghiệp. Do đó Bộ rất ủng hộ việc tổ chức sự kiện này, coi đây là hoạt động thiết thực góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp cho người dân sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng cũng lưu ý khi ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa cần phải đồng bộ để đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho người nông dân, đồng thời cần có những mô hình trình diễn gắn với các HTX để tăng tính lan toả, nhân rộng./.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận buổi làm việc với UBND tp Cần Thơ

 

BBT