Nghị quyết 57 được ban hành khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, giữ vai trò dẫn dắt xu thế phát triển mới của các quốc gia trên thế giới.
Đối với Ngành Nông nghiệp và Môi trường, Nghị quyết 57 càng có ý nghĩa đặc biệt khi toàn ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, như: tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước…; các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào lớn, giá trị gia tăng thấp không còn phù hợp, trong khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị đã trở thành xu thế tất yếu.
Toàn Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã có nhiều nỗ lực phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, cho đến giám sát môi trường tự động, xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng thủy văn… Ước tính, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, chắp cánh cho nông sản Việt vươn tới trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua những thách thức, khó khăn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm nông, lâm, thủy sản hơn nữa, cùng với việc bảo vệ môi trường sống thì điều cần làm là phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 57.
Trước hết, Ngành Nông nghiệp và Môi trường cần tập trung tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những quy định không còn phù hợp: về ngân sách, đầu tư công, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân. Sớm hình thành quỹ phát triển khoa học, công nghệ của Ngành Nông nghiệp và Môi trường để chủ động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Ngành cần có cơ chế linh hoạt trong đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu để áp dụng rộng rãi vào thực tiễn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia thuộc Ngành Nông nghiệp và Môi trường theo hướng hội nhập, hài hòa hóa với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhất là thị trường các nước phát triển.
Ngành Nông nghiệp và Môi trường cần đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nhằm gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản; cần lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để đầu tư nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra sự phát triển đột phá của Ngành như: công nghệ sinh học, công nghệ gen, lựa chọn giống, sản xuất vắc - xin, công nghệ nuôi biển, quy trình canh tác thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp số…
Bên canh đó, các đơn vị tập trung nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là tài nguyên đất, nước, khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chiến lược; các giải pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, chú ý đến môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề, khu chăn nuôi tập trung; phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi thông minh; các công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại về dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, Ngành sẽ tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ của Ngành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tự chủ thực chất; xây dựng các đơn vị nghiên cứu có năng lực cạnh tranh, có đối tác xã hội hóa, có khả năng kết nối doanh nghiệp, mang tính tổng thể với tầm nhìn trung hạn và dài hạn; thúc đẩy mô hình “Vườn ươm đổi mới sáng tạo”, kết nối công nghệ, thành lập mạng lưới chuyên gia Ngành Nông nghiệp và Môi trường trong và ngoài nước.
Đổi mới toàn diện quy trình đặt hàng, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Theo đó, áp dụng cơ chế đấu thầu, đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, áp dụng cho cả khu vực công và khu vực tư. Đặc biệt, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, từ thực tiễn đời sống, sản xuất, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; xem xét các danh mục “đặt hàng mở” để huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể mà không phân biệt khu vực công - tư.
Yêu cầu về nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ của Ngành cũng cần chú trọng. Theo đó, Ngành sẽ tập trung đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các viện nghiên cứu, trường đại học để xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn phát triển. Có cơ chế thu hút, khuyến khích đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức giỏi trong nước và quốc tế, đặc biệt phát huy được vai trò, sự tham gia của đội ngũ nhân lực làm khoa học, công nghệ từ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, hiệp hội để tạo nên một hệ sinh thái nhân lực năng động, sáng tạo, gắn bó với hoạt động khoa học, công nghệ và sự phát triển của Ngành.
Thực hiện chuyển đổi số phải toàn diện và thực chất, không chỉ là số hóa thông tin mà đẩy mạnh xây dựng các nền tảng quản trị dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và các hệ thống dự báo, cảnh báo thông minh. Kết nối liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, viễn thám với dữ liệu sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho thiết kế, vận hành quy trình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, cũng như hỗ trợ ra quyết định trong quản lý chỉ đạo, điều hành. Nghiên cứu mô hình sàn giao dịch công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường, nơi kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Ngành Nông nghiệp và Môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở khoa học, công nghệ công lập, các trường đại học, mà còn bao gồm cả các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân và người tiêu dùng. Thống nhất một tầm nhìn chung, một tinh thần hành động chung, một cam kết đổi mới toàn diện trong toàn Ngành là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo Nghị quyết 57, góp phần quan trọng để Ngành Nông nghiệp và Môi trường phát triển nhanh, bền vững.
BBT