Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 116 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông. cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 580 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/giờ), giật cấp 17, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/giờ.
|
|
Bản đồ đường đi của Bão số 3 lúc 04 giờ ngày 5/9/2024 |
Dự báo, đến 4 giờ ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 -15 km/giờ, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 16, giật cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Đến 16 giờ ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 -20 km/giờ và suy yếu dần trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, Sức gió mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông với độ rủi ro thiên tai cấp 4; phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ với độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 16 giờ ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/giờ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ; sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3. Cảnh báo, từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 11-13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14-16, giật trên cấp 17, biển động dữ dội. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.
Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9m, vùng gần tâm bão 10-12m, biển động dữ dội, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động tại vùng biển trên.
Về tình hình mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ khoảng đêm 6 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm.
Chiều và đêm 5/9, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào, dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Khu vực Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, dông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Khu vực Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, từ 3 giờ 50 phút đến 8 giờ 50 phút ngày 5/9, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu, Phong Thổ, Tân Uyên, Tam Đường (tỉnh Lai Châu); Tủa Chùa, thị xã Mường Lay, Mường Chà, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên); Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Mai Sơn (tỉnh Sơn La); Bát Xát, thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Sapa (tỉnh Lào Cai).
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các địa phương chủ động, tăng cường nhiều giải pháp để ứng phó
* Thanh Hóa huy động gần 200.000 người tham gia phòng, chống thiên tai
Chiều 4/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa họp trực tuyến về công tác chuẩn bị, khẩn trương ứng phó với bão số 3 với phương châm không chủ quan, lơ là, không để bị động, bất ngờ.
Đến chiều 4/9, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị vật tư dự trữ gồm: 46.495m³ đá hộc; 14.292m³ đá dăm, sỏi; 11.087m³ cát; 147.705m² đất; 46.631 cái rọ thép; gần 1,4 triệu chiếc bao tải; 277.779m² bạt, 295.456 cọc tre… để sẵn sàng cho phương châm “4 tại chỗ”. Thanh Hóa cũng đã xây dựng, phê duyệt 35 trọng điểm xung yếu về đê điều, 3 trọng điểm bảo vệ sạt lở bờ biển, 86 hồ chứa không bảo đảm an toàn; đồng thời lập, phê duyệt, sẵn sàng triển khai trên thực tế phương án phòng, chống lụt bão tại 59 công trình đê điều và 26 hồ chứa đang thi công dở dang.
Các ngành, địa phương ở Thanh Hóa đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động gần 200.000 người tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tại 558 đơn vị cấp xã/27 huyện, thị, thành phố đã thành lập, củng cố, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai với gần 50.000 người tham gia...
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị bám địa bàn được phân công cùng các địa phương tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Các sở, ngành, địa phương đôn đốc di chuyển lồng nuôi cùng lao động trên các chòi canh đồng triều vào nơi an toàn và bảo đảm an toàn cho 989 khách du lịch đang lưu trú tại Thanh Hóa trong thời gian bão đổ bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn các trọng điểm đê sông, đê biển, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các vị trí xung yếu, các khu vực đang thi công, các vị trí bờ biển đang có diễn biến sạt lở, xâm thực như khu vực các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa); khu vực bờ, bãi sông Chu đoạn qua xã Thọ Hải (huyện Thọ Xuân) đang bị sạt lở nghiêm trọng…
Các đơn vị thủy nông, các địa phương chủ động tiêu thoát nước đệm, tiếp tục thu hoạch 24.000 ha lúa đã chín 80% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Để việc thu hoạch lúa mùa đảm bảo nhanh gọn, kịp thời, tránh được thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ khi thời tiết chưa có mưa, tập trung thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch. Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để linh hoạt điều chuyển máy móc thu hoạch lúa từ các huyện, xã chưa có lúa chín, hoặc từ nơi có diện tích lúa chín còn ít sang nơi có diện tích lúa chín nhiều.
Đối với diện tích lúa và cây trồng chưa đến thời kỳ thu hoạch, các địa phương cần tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng, huy động nhân lực bó, dựng khi lúa bị đổ ngã cũng như có biện pháp chủ động chằng chống, cắt tỉa tán đối với các cây trồng cạn.
* Hải Phòng: Đảo Bạch Long Vĩ khẩn trương phòng, chống bão "4 tại chỗ"
Là hòn đảo cách đất liền hơn 100km, Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) dự báo sẽ là điểm đầu tiên của cả nước đón bão số 3. Nằm ở vị trí giữa biển nên Bạch Long Vĩ sẽ phải tích cực chủ động phòng, chống bão với phương châm “4 tại chỗ”.
Theo UBND huyện Bạch Long Vĩ, có 127 phương tiện, với 288 lao động đang hoạt động trên biển đã được vận động về bờ tránh trú bão. Theo thông tin quan sát của Trạm Rađa 490 HQ, hiện nay trên vùng biển Bạch Long Vĩ có 170 phương tiện hoạt động cách đảo từ 2 đến 15 hải lý.
Ông Đào Minh Đông, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết, bám sát chỉ đạo tại công điện của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng và chỉ đạo, hướng dẫn của các sở, ngành liên quan, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động, tích cực triển khai phòng, chống bão số 3. Các đơn vị đã tổ chức trực ban nghiêm túc; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó.
Huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trưởng, phó các khu dân cư kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện huy động tham gia cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ phối hợp với Trạm Rađa 490 tiếp tục liên lạc, thông báo, kêu gọi cho các chủ tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển Bạch Long Vĩ khẩn trương đưa phương tiện về nơi tránh bão an toàn.
Ban Quản lý Cảng và Khu neo đậu tàu chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trưởng khu dân cư số 2 tổ chức chuẩn bị sơ tán các hộ dân khu vực mép nước đường dạo âu cảng khi có yêu cầu. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trưởng, phó các khu dân cư chủ động đôn đốc đơn vị và nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, có kế hoạch bảo vệ vật nuôi, hoa màu bảo đảm an toàn./.
Hoa Mai - Hoàng Ngọc