Diện tích này chiếm khoảng 96% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước (có tổng diện tích bị thiệt hại là 22.567 ha). Chủ yếu thiệt hại ở loại hình quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa (16.117 ha), còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh (5.474 ha).

 

Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 4.121 ha (chiếm 19% trong tổng diện tích tôm bị thiệt hại), giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2023; chủ yếu là do bị mắc các bệnh: đốm trắng (1.181 ha), hoại tử gan tụy cấp tính (1.193 ha), đỏ thân, phân trắng, còi và vi bào tử trùng,... Còn lại thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân.

 

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên ngành thủy sản và khuyến nông chủ động hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lý ao đầm (đặc biệt các vùng nuôi, ao nuôi đã có tôm mắc bệnh), quản lý ao/đầm nuôi, chủ động kiểm soát chất lượng con giống (thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về các cơ sở tôm giống an toàn dịch bệnh, các cơ sở đã được giám sát dịch bệnh), thực hiện nghiêm túc lịch mùa vụ theo hướng dẫn của Cục Thủy sản; cập nhật tình hình chuẩn bị thả nuôi vụ mới, sẵn sàng công tác giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường phục vụ sản xuất kịp thời, hiệu quả.

 

Tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh tại các địa phương, chia sẻ thông tin với các địa phương tiếp nhận nhằm chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển con giống; các chủ cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống cần tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôm giống trước khi xuất bán cho người nuôi, tuân thủ khai báo kiểm dịch theo quy định.

 

Tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc môi trường, tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn người nuôi về mùa vụ thả nuôi, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp, sử dụng con giống thủy sản, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng và chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

 

Xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản ATDB theo "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030" của Thủ tướng Chính phủ và các quy định, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Thông tư số 24/2022/TTBNNPTNT và các văn bản chỉ đạo có liên quan; Tổ chức giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy định của WOAH và yêu cầu của thị trường các nước để đẩy mạnh xuất khẩu.

BBT