Kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,2% kế hoạch năm, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2%, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,336 triệu tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản đạt 47,2% so với kế hoạch năm 2023.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% cùng kỳ năm 2022 và đạt 41,3% kế hoạch năm 2023, trong đó xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đến các thị trường lớn đều giảm.

Mặc dù tổng sản lượng vẫn duy trì và có tăng trưởng, nhưng trước tác động tiêu cực về giá thu mua nguyên liệu của các tháng gần đây tác động lớn đến tâm lý thả giống của người nuôi thủy sản dẫn đến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lo lắng nguồn nguyên liệu thuỷ sản sụt giảm trong các tháng cuối năm làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu mua, chế biến và xuất khẩu năm 2023.

Nỗ lực của Bộ Nông nghiệp

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo, hành động cụ thể trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC; hoàn thiện, báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia tổ chức thẩm định đối với 02 quy hoạch chuyên ngành.

Bộ đã dự Hội nghị toàn thể của VASEP; phối hợp cùng Hội Thuỷ sản Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn Tôm; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương; cử tổ công tác đến các tỉnh trọng điểm nuôi tôm, cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long để động viên, chia sẻ khó khăn và chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, người nuôi, các cơ sở chế biến - xuất khẩu tiếp tục áp dụng công nghệ mới để giảm dịch bệnh, giảm giá thành, ổn định sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả nhằm chuẩn bị nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục dần vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, mở các thị trường mới và đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Trong tháng 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đã phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Bạc Liêu đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm” nhằm tạo điều kiện cho nông dân được trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã để tăng cường kết nối, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hộ nuôi - hợp tác xã - cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, đề xuất giải pháp công nghệ xử lý môi trường, hạ tầng thủy lợi cấp và thải nước, những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hộ nuôi đầu tư hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn để phục vụ cho sự phát triển bền vững ngành tôm.

Ngày 21/7/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” nhằm cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 và cùng bàn bạc, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đến cuối năm cùng với các địa phương ven biển, Hiệp hội, các Doanh nghiệp trong và ngoài nước và đặc biệt là các tham tán thương mại ở các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản.

Từ 24 đến 26/7/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm (TCRS), Liên minh Thuỷ sản Toàn Cầu (GSA) và Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ngành tôm với sự có mặt của đông đảo các nhà khoa học, các nhà mua hàng quốc tế, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các đối tác quan trọng tham gia chuỗi ngành hàng tôm. Hội nghị đã tạo ra một diễn đàn mở để thảo luận về những vấn đề quan trọng của ngành tôm thế giới như dự báo về sản lượng, nhu cầu thị trường tôm, cập nhật các tiêu chuẩn về sản phẩm, về phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh tôm lần này tập trung nhiều về thị trường với các thông tin cập nhật, các hình thứ tiếp thị mới, cơ chế tài chính cũng như hỗ trợ các trang trại quy mô nhỏ để tiếp cận thị trường… Đây là cơ hội lớn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp ngành tôm của nước ta có những bước chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới.

Các giải pháp để đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thuỷ sản các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

Theo dự báo những tháng cuối năm 2023 tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức như: tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, thời tiết diễn biến cực đoan; giá thu mua nguyên liệu phục hồi chậm và không ổn định; thị trường nhập khẩu có nhu cầu trở lại nhưng dự báo vẫn chưa như kỳ vọng; cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu rất lớn; nhiều đoàn kiểm tra của các nước nhập khẩu có kế hoạch qua thanh tra tại các vùng nuôi và các cơ sở chế biến ở nước ta dẫn đến tâm lý chờ đợi…

Bên cạnh đó, có một số yếu tố thuận lợi như: doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ đã được ban hành, bước đầu đi vào cuộc sống; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; mặt bằng lãi suất cho vay giảm.

Theo dự báo lượng hàng tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác sẽ tăng dần vào cuối năm. Đặc biệt, các hiệp định thương mại đã ký sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu

Căn cứ vào tình hình xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu dùng toàn cầu các tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm phấn đấu thực hiện chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023: Tổng sản lượng thủy sản 9,05 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo rà soát và tổ chức sản xuất nhằm cung ứng kịp thời nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ trung ương đến địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực gồm tôm sú, tôm chân trắng; tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Bám sát tình hình sản xuất, nắm bắt khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến để chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ các tháng cuối năm. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có chứng nhận và phát triển thị trường; thực hiện truy xuất nguồn gốc và loại bỏ sản phẩm khai thác bất hợp pháp; tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch chống khai thác bất hợp pháp và kế hoạch đón đoàn thanh tra EC trong tháng 10; tăng cường công tác dự báo và thông tin thị trường đến các địa phương và doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tiếp tục đồng hành với Hội, Hiệp hội ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong sản xuất.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản thuỷ sản Việt Nam cần tổ chức đánh giá lượng hàng, nguyên liệu thủy sản tồn kho trong các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản; nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024 để báo cáo Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện cam kết/hợp đồng với người nuôi trồng thủy sản về kế hoạch sản xuất và cung ứng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới đảm bảo kế hoạch, chủ động sản xuất để tận dung cơ hội khi thị trường hồi phục.

BBT (th)