Cây nhãn được trồng tại xã Sơn Thủy (nay là xã Xuân Thủy), huyện Kim Bôi từ năm 1989 tại vườn nhà ông Bùi Văn Lực. Với những ưu điểm về khí hậu, đất đai, cùng với sự kiên trì, chịu khó của người nông dân, cây nhãn đã dần có chỗ đứng vững chắc, trở thành cây trồng chủ lực và sinh kế của người dân địa phương. Đến nay diện tích nhãn toàn xã Xuân Thủy đạt gần 200 ha, riêng HTX Sơn Thủy có 34ha.

Từ năm 2016 sản phẩm nhãn Sơn Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tiếp đó là hàng loạt các chứng nhận được cấp về An toàn thực phẩm (năm 2016); VietGAP (2019); OCOP (2020) đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt đây là sản phẩm trồng trọt đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp Mã số vùng trồng từ năm 2019. Mã số vùng trồng được coi như tấm giấy thông hành để sản phẩm này xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế, trong đó một trong những thị trường khó tính nhất là EU.

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết: Tất cả những yêu cầu kỹ thuật từ thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi đã được người trồng nhãn Sơn Thủy dần hoàn thiện một cách nghiêm ngặt từ 2019 đến nay như việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong canh tác, ghi chép nhật ký đồng ruộng, giám sát về mã số vùng trồng... Gần đây nhất, mẫu nhãn Sơn Thủy đã có kết quả phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định theo tiêu chuẩn EU, tất cả 03 mẫu đều đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm.

Tất cả những yêu cầu kỹ thuật từ thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi đã được người trồng nhãn Sơn Thủy dần hoàn thiện một cách nghiêm ngặt từ 2019 đến nay

 

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cùng với Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA đặt mục tiêu vụ nhãn năm 2022 sẽ xuất khẩu được khoảng 50 tấn.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp, HTX và người dân trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm nhãn Sơn Thủy, huyện Kim Bôi được xuất sang thị trường EU bằng đường hàng không. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay diện tích nhãn Sơn Thủy còn ít, sản lượng trung bình từ 180- 200 tấn/năm, thị trường trước đây chủ yếu là trong nước. Vì vậy để đưa thương hiệu nhãn Sơn Thủy phát triển theo hướng bền vững, mang lại giá trị thu nhập cao, đề nghị các ngành liên quan tích cực tìm kiếm thị trường; phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp kiểm soát địa bàn; hướng dẫn các HTX, nhà vườn trong việc thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu. Hi vọng trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước cùng với người dân, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp, nỗ lực hơn nữa để đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đứng vững trên thị trường nước ngoài./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình