Với tổng diện tích 35,6 ha trồng rau xanh, trong đó 17,4 ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi được triển khai mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chính quyền và người dân trồng rau tuân thủ nghiêm túc những quy trình kỹ thuật của VietGAP đề ra với mong mỏi tránh bị tư thương ép giá và những loại rau thông thường không theo tiêu chuẩn VietGAP cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn không được cải thiện bởi rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Quảng Thành chưa có thương hiệu, chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Trong số 1,2 tấn rau xanh thu hoạch mỗi ngày, chỉ có 1 tạ rau theo tiêu chuẩn VietGAP được cơ sở thu mua chế biến rau Hóa Châu thu mua, còn lại phải bươn chải cạnh tranh để tiêu thu. Chính vì vậy, người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Khu vực trồng rau xanh theo tiêu chuẩn vietGAP tại xã Quảng Thành
Ông Lê Phụ Gần – người trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP xã Quảng Thành cho biết: “Gia đình tôi trồng 1.000m2 đất rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, với những loại rau như cải, sa lách tần ô, gò và rau dền. Từ khi đưa vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi tuân thủ rất nghiêm túc, từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, tưới nước đến thu hoạch và bảo quản. Tưởng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ thuận lợi hơn trong khâu tiêu thu, ai ngờ còn khó hơn vì rau xanh VietGAP ở đây chưa có thương hiệu, chưa có mẫu mã bao bì. Sau khi thu hoạch chúng tôi phải bán trôi nổi trên thị trường nên rất khó cạnh trạnh với các loại rau thường vì giá cao hơn. Để giúp rau xanh VietGAP của gia đình tôi nói riêng, xã Quảng Thành nói chung tiêu thụ thuận lợi, chúng tôi rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, cho rau xanh VietGAP Quảng Thành một thương hiệu để đăng ký mẫu mã, có đại lý bán và cung ứng hàng ở thành phố Huế”.
Một trong những khó khăn của rau xanh Viet GAP ở đây là bởi Quảng Thành chưa xây dựng được một chuỗi cửa hàng để giới thiệu rau sạch của mình mà bán chung với các loại rau khác trên thị trường. Trong khi điểm yếu của rau sạch là do không được bơm thuốc trừ sâu, không sử dụng phân bón hóa học, lại được sơ chế trước khi đưa ra thị trường nên nhìn bằng mắt thì thấy rằng rau không được tươi ngon, giá cả lại cao hơn so với các loại rau khác nên khó thuyết phục được người mua. Ngoài ra, một cái khó nữa của rau sạch Quảng Thành là rau ăn lá hàng ngày như rau cải, rau thơm, mồng tơi, xà lách… nếu để qua ngày sẽ dễ bị hư hỏng nên cũng khó khăn cho việc tiêu thụ. Để phân biệt rau sạch Quảng Thành với các loại rau khác trước mắt cần phải có thương hiệu, có bao bì nhãn mác tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Phan Đình Sửu – Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết: “Để tạo chỗ đứng cho rau xanh Quảng Thành, từ nay đến cuối năm 2016, chúng tôi sẽ đưa 18,2 ha còn lại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó sẽ phối hợp các cấp các ngành đăng ký thương hiệu, mẫu mã nhãn mác để phân biệt giữa rau xanh VietGAP với rau thông thường. Mặc khác chúng tôi cũng rất mong sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở thu mua chế biến rau xanh, tạo điều kiện cho Quảng Thành trở thành điểm cung ứng phân phối rau tại thành phố Huế”.
Để rau sạch Quảng Thành ngày một phát triển cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành trong đó cần sớm đưa ra những chỉ dẫn cho người tiêu dùng cách thức để nhận biết, phân biệt rau an toàn với các loại rau khác; cần có cơ chế hỗ trợ cho Quảng Thành xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu rau sạch tại các chợ đầu mối, các chợ lớn trong tỉnh. Có như thế, rau sạch Quảng Thành mới đứng vững được trên thị trường, phục vụ an toàn cho người tiêu dùng.
Công Cường.
Đài TT Quảng Điền, Thừa Thiên Huế