Chiều 23/7/2024, tại huyện Cờ Đỏ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND huyện Cờ Đỏ và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Group (Vina T&T) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ.

Theo đó, lô thanh nhãn 1,2 tấn được xuất khẩu bằng đường hàng không trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Tổ hợp tác Trạng Tí Garden, huyện Cờ Đỏ và Công ty Vina T&T. Giá được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu là 70.000 đồng/kg, cao hơn giá thanh nhãn bán "hàng chợ" khoảng 20.000 đồng/kg.

Tổ hợp tác Trạng Tí Garden có 11 thành viên, trồng 69 ha thanh nhãn. Thời gian qua, thành viên tổ hợp tác luôn thực hiện tốt các hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp và doanh nghiệp liên kết để cho ra những quả thanh nhãn chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu mà giá bán thanh nhãn của Tổ hợp tác Trạng Tí Garden luôn ở mức cao. Nếu thanh nhãn trúng mùa, trừ chi phí, nhà vườn lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha.

leftcenterrightdel
Thu hoạch thanh nhãn xuất khẩu tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ 

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác Trạng Tí Garden, ông Trần Phước Sơn khẳng định, quả thanh nhãn xuất khẩu được sang các thị trường khó tính đã mở ra hướng đi tốt cho người trồng. Thị trường tốt, giá bán cao giúp tăng thu nhập cho người trồng. Từ đó, tạo động lực cho người trồng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ doanh nghiệp. Tổ hợp tác đặt mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất để doanh nghiệp tìm đến.

Thành phố Cần Thơ có 2.547 ha nhãn với sản lượng khoảng 25.400 tấn/năm. Cờ Đỏ là địa phương có diện tích trồng thanh nhãn lớn nhất của thành phố Cần Thơ với 400 ha; trong đó có 158 ha với 33 vùng trồng được cấp mã số. Thanh nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU...  Từ đầu năm đến nay, chưa phát hiện các lô thanh nhãn xuất khẩu của Cần Thơ vướng kiểm dịch thực vật.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group nhận xét, thanh nhãn Cần Thơ được ví là "vua nhãn" với ưu điểm dày cơm, ngọt vừa, quả to, lượng nước không nhiều nên được thị trường Hoa Kỳ và Australia, Canada ưa chuộng. Từ đầu năm đến nay, Vina T&T đã xuất hơn 20 tấn thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Australia. Hiện Công ty không đủ hàng thanh nhãn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Khi thanh nhãn vào chính vụ, Công ty sẽ cấp đông để xuất khẩu bằng đường biển và dự trữ để bán quanh năm cho các thị trường thế giới.

Công ty Vina T&T đã hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác của Cần Thơ xuất khẩu thanh nhãn được 5 năm. Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật theo yêu cầu của doanh nghiệp được nông dân thực hiện rất thuận lợi, từ kỹ thuật canh tác, vận chuyển... đến thu hái... Để xuất khẩu sang các thị trường chính và khó tính như Australia, Hoa Kỳ đòi hỏi sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và quả thanh nhãn phải được chiếu xạ.

Mỗi năm Công ty Vina T&T hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác ở Cần Thơ xuất khẩu khoảng 200 tấn trái thanh nhãn. Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tăng cường hợp tác với các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng thanh nhãn ở Cần Thơ nhằm đẩy mạnh chất lượng quả. Đối với những quả thanh nhãn không đủ trọng lượng, kích cỡ không đạt chuẩn xuất khẩu, thì Công ty sẽ nghiên cứu chế biến sản phẩm (đồ hộp, nước uống,...) giúp bà con nông dân tiêu thu quả thanh nhãn tốt hơn.

Thành phố Cần Thơ là địa phương có sản lượng thanh nhãn xuất khẩu lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, Cần Thơ đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để xuất khẩu chính ngạch khoảng 250 tấn thanh nhãn/năm sang các thị trường. Để  phát triển liên kết sản xuất và xuất khẩu thanh nhãn bền vững, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với nhau tạo thành vùng sản xuất đủ lớn đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.

Đại diện các hợp tác xã, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương vận động tất cả nông dân hợp tác xã trong vùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là định hướng sản xuất hữu cơ, sinh học, tạo ra sản phẩm đồng nhất và ổn định về chất lượng; đảm bảo an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật và kim loại nặng theo quy định trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp liên kết phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế sản phẩm, thông tin về yêu cầu chất lượng sản phẩm cho nông dân biết để sản xuất đúng.

Đồng thời, thành phố xây dựng vùng nguyên liệu và có hợp đồng liên kết mang tính lâu dài và ổn định về sản lượng, lập kế hoạch thu mua hàng năm để định hướng cho hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất. Các doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nông sản cho vùng trồng được biết và phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững về sản lượng và lợi ích./.

Thu Hiền