Anh Trần Văn Đạt (dat1804205003@vnkgu.edu.vn)
Đáp:
Anh có thểm tham khảo kỹ thuật trồng khoai lang như sau:
GIỐNG KHOAI LANG
Các giống được nông dân sử dụng phổ biến là khoai lang bí (vỏ đỏ, ruột vàng), khoai trắng (vỏ trắng, ruột trắng), khoai sữa (vỏ màu trứng gà, ruột trắng), khoai Dương Ngọc (vỏ tím, ruột tím) và khoai tím Nhật.
THỜI VỤ TRỒNG KHOAI
Vụ trồng khoai lang kéo dài từ 4 đến 4,5 tháng. Vùng ĐBSCL thường bắt đầu trồng từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm (vụ Đông Xuân).
LÀM ĐẤT:
Ở vùng đất phù sa, nông dân đưa nước vào ngập ruộng diệt cỏ, sâu rầy. Sau đó, đất được cuốc, dầm (cục to cỡ cổ tay) và lên giồng. Chân giồng này cách chân giồng kia 30 cm (làm lối đi chăm sóc). Mỗi giồng rộng 50 – 60 cm, cao từ 40 – 50 cm. Bà con sử dụng hóa chất xử lý cho dây khoai không mọc quá dài (sẽ không nuôi củ tốt) và lớn củ.
Rạch hàng dọc luống sâu 10 - 15 cm để bỏ phân lót chuẩn bị cho đặt dây.
ĐẶT DÂY:
Dây giống dùng đoạn 1 và đoạn 2 (dây bánh tẻ). Mỗi dây dài khoảng 25 - 30 cm. Số lượng dây cho 1 ha khoảng 33.000 - 42.000 dây.
Đặt dây nông, nối đuôi nhau dọc theo rạch hàng giữa luống hoặc có nơi đặt dây kiểu áp tường hoặc đặt dây cong. Lấp đất và ấn nhẹ (đất thịt nhẹ lấp sâu 5 - 7 cm. Đất thịt nặng lấp sâu 4 - 5 cm).
PHÂN BÓN:
Tuỳ theo giống, đất đai và điều kiện thâm canh có thể bón theo các mức:
- Mức thâm canh trung bình: 10 tấn phân chuồng + 250 kg super lân + 130 kg urê + 120 kg clorua kali.
- Mức thâm canh cao: 15 tấn phân chuồng + 400 kg super lân + 250 kg urê + 200 kg clorua kali.
Cách bón:
- Bón lót theo rạch trên luống: toàn bộ phân chuồng + toàn bộ phân lân + 1/3 lượng phân đạm + 1/3 lượng phân kali.
- Bón thúc sau khi trồng 30 ngày, cuốc rạch sườn luống bón 2/3 lượng phân đạm + 2/3 lượng phân kali kết hợp bón tro bếp, sau đó vun lại vồng khoai.
CHĂM SÓC:
- Sau khi trồng 30 - 40 ngày, xới xáo, xả hông luống .
- Bón thúc sớm kết hợp cày xả hông luống. Sau đó lấp kỹ và vun vồng cao tạo điều kiện để củ phát triển.
- Nhấc dây, vén dây: Thân lá phát triển thường có nhiều rễ phụ (nông dân gọi là rễ đực) bám trên mặt luống làm tiêu hao dinh dưỡng. Do vậy, sau trồng 45 - 50 ngày phải nhấc dây để đứt dễ phụ và vén dây gọn trên mặt luống nhằm tập trung dinh dưỡng cho khoai phình củ.
- Trong điều kiện gặp hạn, cần có biện pháp tưới ẩm thích hợp để kích thích quá trình phình to củ. Tưới ngập 2/3 luống khoai, khi đã ngấm vào giữa luống cần phải tháo nước ngay, không để đất quá sũng nước.
THU HOẠCH, BẢO QUẢN:
Nếu các vụ khoai cần phải cắt dây để chăn nuôi thì nên cắt sau khi thân lá đã phủ luống. Chỉ cắt tỉa những nhánh dây ra trước và sát mặt đất, không tỉa dây chính.
Sau khi trồng 75 - 80 ngày đã có thể thu hoạch sớm. Thời gian thu hoạch từ 100 đến 120 ngày tùy theo giống.
Dùng cát rải đều, sau đó xếp củ (chú ý đừng để thành đống quá cao). Sau đó phủ lá xoan lên bên trên lớp củ để phòng bọ hà và bệnh thối đen phá hại củ trong thời gian bảo quản.
Hoàng Văn Hồng
TTKNQG