Từ ngày 18/3 đến ngày 16/4/2025, Hội Nông dân Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức 21 cuộc truyền thông với trên 917 lượt cán bộ, hội viên và nông dân của 15 Hợp tác xã tham gia thực hiện Đề án nhân rộng trên địa bàn 14 xã của 06 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.

 

Mục đích truyền thông vận động, tuyên truyền, triển khai nông dân tích cực tham gia sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả công tác tổ chức lại ngành hàng lúa gạo, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ngành lúa gạo không chỉ riêng cho Trà Vinh mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài. Bên cạnh đó còn tuyên truyền cho hội viên về “Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (Theo Quyết định số 154/QĐ-TT-CLT ngày 07//2024 của Cục trưởng Cục Trồng trọt). Tham gia thực hiện đề án nông dân phải canh tác theo quy trình giảm giống, áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa bằng phương pháp tưới "ướt khô xen kẽ” (AWD), tăng cường bón phân hữu cơ cho lúa giúp giảm lượng phân bón hóa học, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa và thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.

 

Qua các lớp tập huấn truyền thông đã giúp cán bộ, hội viên và nông dân hiểu rõ hơn về lợi ích kinh tế và môi trường trong sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp. Các cuộc tuyên truyền còn là bước đệm tạo thuận lợi cho các cán bộ, hội viên và nông nông dân được tiếp cận, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đồng thời bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một lớp tập huấn 


Hà Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh