Trong 3 năm (2016 -2018), được sự phân của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn thành phố Hải Phòng tuyển sinh và đào tạo được 10 lớp cho 350 học viên trình độ sơ cấp nghề nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung, vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Với hình thức đào tạo thiết thực, sáng tạo, đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và phương thức giảng dạy phù hợp, các lớp dạy nghề đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế tại địa phương. Điển hình như 100 học viên của lớp dạy nghề trồng rau màu công nghệ cao tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo biết cách áp dụng kỹ thuật trồng rau màu công nghệ cao; 30% học viên sau khi có chứng chỉ đã được nhận vào làm tại khu trồng rau công nghệ cao ở khu công nghiệp cao ViEnco Tân Liên. Một số học viên sau khi tốt nghiệp các lớp dạy nghề đã tự tạo mô hình việc làm cho gia đình mình như mô hình nuôi cá riêu hồng, cá rô phi. 40% học viên làm việc trong các Hợp tác xã có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các hộ dân của xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo sau khi tham dự lớp dạy nghề trồng rau an toàn đã áp dụng thành công các quy trình sản xuất rau an toàn, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu và được các doanh nghiệp, HTX ký kết hợp đồng bao tiêu với giá cả ổn định…
Bên cạnh những kết quả trên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số khó khăn, hạn chế như:
- Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa tập trung cao trong việc lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề, chưa có sự phối hợp đồng bộ trong công tác tổ chức thực hiện.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
- Công tác phối hợp, vận động tuyển sinh, mở lớp của một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả đạt được chưa cao.
- Trên địa bàn còn ít doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nên khó khăn trong việc giải quyết vấn đề đầu ra cho dạy nghề.
- Nhận thức của người dân còn hạn chế chưa coi trọng việc học nghề và áp dụng vào thực tế để phát triển kinh tế. Đa phần chỉ tính đến lợi nhuận trước mắt, chưa xác định được việc đầu tư nghành nghề cho lâu dài.
- Việc sắp xếp việc làm sau đào tạo nghề cho học viên còn gặp nhiều khó khăn.
- Tuyển sinh học viên khó khăn do chuyển dịch lao động nông thôn sao ngành nghề khác có thu nhập cao ổn định hơn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới cần triển khai đồng bộ một số các giải pháp:
Thứ nhất, lựa chọn và phối hợp với các địa phương có đủ cơ sở vật chất, cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề nông nghiệp.
Thứ hai, thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội.
Thứ ba, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp lý, linh hoạt gắn với trình độ và đặc điểm của lao động địa phương, gắn với thực tiễn để người học thực sự hứng thú và thu được hiệu quả cao trong quá trình học. Nên gắn lý thuyết với thực hành, sử dụng các giáo cụ trực quan; tăng cường dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; gắn đào tạo với các các mô hình khuyến nông, liên kết sản xuất, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa bàn thôn, xã để tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp
Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của công tác đào tạo nghề là người lao động sau khi học nghề có việc làm, có thể ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất. Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa gắn liền với công tác định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nên nhiều lao động đã qua đào tạo vẫn không có việc làm, hoặc làm việc trái với ngành nghề được đào tạo.
Để tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, cần có sự liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm hiểu nhu cầu nhân sự của họ; từ đó có định hướng về nghề nghiệp cho người lao động khi tham gia đào tạo.
Nguyễn Hương Giang
Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng