Buổi họp còn có sự tham dự của đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ, TB&XH); đại diện của một số đơn vị tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên cả nước.

Tại buổi họp, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, đên hết tháng 7/2019, các địa phương đã đào tạo 210 nghìn lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, đạt 72% kế hoạch đề ra năm 2019. Nếu đến hết năm 2019 các địa phương đào tạo đạt 100% kế hoạch sẽ góp phần nâng số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 1.150.000 người, đạt 82% kế hoạch của giai đoạn này.

Từ năm 2018, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng chỉ đạo của Bộ. Đó là đào tạo, tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu có hiệu quả cho các chuỗi nông sản; đào tạo cho các thành viên HTX, lao động làm trong các trang trại nhằm nâng cao kỹ năng quản lỹ, kỹ thuật sản xuất, quản lý tài chính cho các HTX nông nghiệp; đào tạo cho lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách nhằm an sinh xã hội nông thôn.

Năm 2019, các địa phương cũng đổi mới công tác xác định đối tượng đào tạo, tập trung vào những lao động trong các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp (đặc biệt chú trọng các HTX), hạn chế đào tạo sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đào tạo cho các lao động làm trong vùng nguyên liệu. Điển hình có một số doanh nghiệp như: TCT Cao su Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam tại 13 tỉnh ĐBSCL; CT giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình…

Ngoài ra, năm 2019 cũng là năm triển khai kế hoạnh “Thí điểm đưa lao động nông nghiệp Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản”. Tại cuộc họp, các đơn vị thực hiện cũng nêu ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và mong muốn tìm được giải pháp khắc phục.

Toàn cảnh buổi họp

Thời gian tới, BCĐ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề đạt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020 mà Thủ tướng CP đề ra trong Đề án 1956. Trong năm 2020, tập trung xây dựng Bộ dữ liệu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong bối cảnh CP, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đẩy mạnh Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới và triển khai các đề án, dự án trọng điểm của Ngành giai đoạn 2020-2030. Xây dựng đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đào tạo nghề, đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp. Dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng các chương trình, tài liệu khung với nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn về sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên xây dựng các chương trình giảng dạy về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số và khởi nghiệp cho lao động trẻ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia