Lớp đào tạo nghề có 30 học viên tham gia, gắn lý thuyết với thực hành ngay trên đồng ruộng, kéo dài xuyên suốt một vụ sản xuất lúa trên diện tích 1.500m2. Với tổng ngày học là 25 ngày, học viên sẽ được giáo viên hướng dẫn từng bước kỹ thuật ứng với mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Học viên thực hành dặm tỉa cho đều lúa

 

Anh Nguyễn Ngọc Sanh, chi hội trưởng Hội Nông dân xã cho biết, tham gia lớp dạy nghề, anh được giáo viên hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết từng nội dung gắn liền thực hành ngay trên đồng ruộng nên dễ hiểu và làm theo. Sau khi học xong lớp đào tạo nghề này anh thấy việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao cũng như áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến cho cây lúa rất hiệu quả, đem lại năng suất cao, gạo có chất lượng, nhờ đó mà hiệu quả kinh tế tăng lên nhiều.

Còn ông Nguyễn Thập Rồi chia sẻ: "Lâu nay trồng lúa, tôi cứ nghĩ trồng nhiều lúa, có nhiều cây thì thu hoạch được nhiều hơn. Khi tham gia lớp dạy nghề này, tôi được nghe những lợi ích kinh tế từ việc gieo sạ hàng, giảm hạt giống nên chắc chắn sẽ áp dụng vào việc sản xuất của gia đình mình".

Trong thời gian học, các học viên cũng được đi tham quan các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với chuỗi tiêu thụ tại HTXNN An Nghiệp, huyện Tuy An nhằm giúp bà con có cái nhìn thực tế cũng như học hỏi cách làm hay của những mô hình đó.

Hiện tại, trà lúa của lớp đào tạo nghề thực hiện đang vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch nhưng hiệu quả mang lại đã khá rõ rệt như lượng giống gieo sạ giảm, số lượng phun thuốc bảo vệ thực vật giảm, công chăm sóc giảm, giá thành lúa trong mô hình cao hơn giống lúa ngoài mô hình 700 đồng/kg. Theo kết quả gặt năng suất mẫu thì năng suất đạt 75 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 2 triệu đồng/1.000m2, cao hơn so với những ruộng đối chứng cùng trà xuống  giống.

Đối với mỗi học viên, những người gắn liền với cây lúa thì việc học tập ngay trên ruộng lúa rất thiết thực và ý nghĩa. Qua đây, giúp học viên có thể áp dụng những kiến thức được truyền đạt vào ruộng sản xuất của gia đình mình và hỗ trợ cho những hộ bên cạnh cùng thực hiện, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Ruộng học tập của lớp đào tạo nghề tại xã An Thạch, huyện Tuy An

 

Phan Chân Thuyên

Trạm Khuyến nông huyện Tuy An, Phú Yên