Lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật chăn nuôi bò” được tổ chức tại ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú có 29 học viên tham dự. Lớp được khai giảng vào ngày 17/9/2018, với 07 nội dung học. Về phương pháp đào tạo, trước khi vào bài giảng, giảng viên có trao đổi với học viên về những vấn đề trọng tâm cần giải quyết theo nhu cầu của học viên, lấy học viên làm trung tâm; phương pháp học kết hợp thuyết trình, thảo luận của học viên, thực hành thực tế tại địa phương, tham quan mô hình, tổng hợp phân tích, đánh giá kết quả thực hiện.
Tại buổi bế giảng các học viên đều đánh giá lớp học đã giúp học viên nắm vững và sâu hơn kỹ thuật chăn nuôi bò như: Kỹ thuật chọn giống bò tốt, giống bò nái làm nền hiệu quả, những giống bò nuôi chuyên thịt, chuyên dụng,… để lai tạo ra những đàn bò đạt năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của nông hộ; Cách thiết kế chuồng trại đạt hiệu quả (vị trí, hướng chuồng, diện tích chuồng, độ dốc, hệ thống vệ sinh và xử lý chất thải…); Cân đối nguồn thức ăn cho bò, nắm bắt được các loại thức ăn thô, thức ăn xanh, thức ăn tinh, các loại thức ăn hỗn hợp cho bò, cách ủ rơm với ure, ủ xanh thức ăn; Chăm sóc bê con, bò sinh sản; Học viên cũng nắm được các loại bệnh thường gặp trên bò, các bệnh nguy hiểm, lây lan mạnh để có biện pháp phòng, ngừa hiệu quả. Đặc biệt, nội dung về kỹ thuật vỗ béo bò thịt bằng thức ăn hỗn hợp được học viên quan tâm nhiều nhất. Học viên đã thực hành vỗ béo cho 05 con bò thịt, sau 02 tháng vỗ béo bò tăng trọng bình quân 50kg/con, lợi nhuận thu được khoảng 2,5 triệu đồng/con so với bò không được vỗ béo.
Lớp học đã tạo thêm niềm đam mê cho người chăn nuôi bò tại địa phương. Điển hình sau lớp học, xã Hòa Phú có 09 hộ dân đã tham gia dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ giai đoạn 2018 – 2020” của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long triển khai với số lượng 10 con bò giống.
Phát biểu tại buổi bế giảng, ông Võ Thế Khoa – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú đánh giá cao về hiệu quả của lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật chăn nuôi bò”. Lớp học phù hợp với tình hình sản xuất, chăn nuôi của người dân tại địa phương, giúp người dân tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Ông hy vọng trong thời gian tới với những kiến thức này cùng với kinh nghiệm thực tiễn của bà con sẽ giúp đời sống nông hộ ngày càng phát triển, xóa đói giảm nghèo và mô hình ngày càng được mở rộng với quy mô lớn hơn.
Phan Mai A Đam
Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long