Địa chỉ tin cậy
Căn nhà nhỏ nằm giữa vườn cam hơn 7.000m2 của gia đình ông Vũ Duy Hiển, khu 2 thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) từ nhiều năm nay đã trở thành điểm gặp gỡ, tư vấn miễn phí kỹ thuật phục hồi, cắt tỉa, chăm sóc cây cam, cây ăn quả có múi của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh (TTKN), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Cao Phong, kỹ sư doanh nghiệp cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài huyện.
Theo lời ông Hiển, Cao Phong từng được mệnh danh là một trong những thủ phủ cam lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển nóng, những “tử huyệt” dần được bộc lộ. Các chủ vườn từ chỗ yêu chiều hết mực dần trở nên lạnh nhạt, bỏ mặc cây cam. Bệnh vàng lá Greening, sâu bệnh hại được đà tung hoành phá phách. Nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh cây cam sẽ bị xóa sổ trên mảnh đất Cao Phong. Bản thân ông Hiển có gần 40 năm gắn bó với loại cây này cũng đã từng ngậm ngùi đưa cây bưởi về trồng xen, với ý định thu nốt lứa cam vớt rồi sẽ chặt bỏ toàn bộ.
Một bên xót của, xót công; một bên lại ngán ngẩm vì không tìm ra cách để xử lý căn bệnh vàng lá, thối rễ trầm kha trên cây cam đã đẩy ông và nhiều hộ vào một vòng luẩn quẩn. Đang không biết quyết định như thế nào cho đúng thì một video giới thiệu loại phân vi sinh hữu cơ có khả năng phục hồi cây cam mắc bệnh vô tình được ông Hiển tìm thấy trên youtube đã mở ra tia hi vọng mới.
Ngâm cứu, tìm hiểu sâu hơn, ông đánh liều mua về dùng thử. Nhận thấy vườn cam có chuyển biến, ông nhanh chân trao đổi với cán bộ TTDVNN và TTKN để được hỗ trợ. Sau những cuộc điện thoại chóng vánh, cán bộ của 2 trung tâm đã có mặt tại vườn.
Các phân tích đánh giá được đưa ra cho thấy việc dùng sản phẩm phân bón mới và áp dụng quy trình cải tạo có hiệu quả. TTKN tỉnh đã liên hệ với Công ty Sumagrow (đơn vị cung cấp loại phân bón trên) triển khai thí điểm mô hình và xây dựng điểm tư vấn miễn phí kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây có múi, chủ yếu là cây cam trên chính khu vườn của gia đình ông Hiển để thuận tiện cho các hộ tham quan, học tập.
Cuối năm 2022, điểm tư vấn đi vào hoạt động với sự tham gia thường xuyên của cán bộ TTKN tỉnh, TTDVNN huyện Cao Phong, cán bộ kỹ thuật của công ty và một số hộ tiên phong như ông Hiển. Các thành viên của tổ cùng nhau tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho tất cả các hộ trồng cây có múi trên địa bàn nếu có nhu cầu.
Sản phẩm mới và kỹ thuật cải tạo vườn cam không có gì quá xa lạ đối với các hộ trồng lâu năm. Công đoạn cũng trải qua các bước như dọn sạch thực bì, cắt tỉa tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, đào rãnh thoát nước, bón phân, lợi dụng vào nấm đối kháng Trichoderma có trong sản phẩm mới để bảo vệ cây trồng… Tuy nhiên, do hạn chế thông tin nên nhiều hộ không có cơ hội tiếp cận sớm, để rồi khi đã chặt bỏ vườn cam ngậm ngùi tiếc nuối không thôi. Tới khi điểm tư vấn đi vào hoạt động thì mọi chuyện mới được xoay chiều.
Đi dưới vườn cam tươi tốt, đang đua nhau kết trái, ông Hiển bộc bạch, không có sự hỗ trợ, đồng hành của cán bộ khuyến nông, TTDVNN, doanh nghiệp thì vườn cam của gia đình chưa chắc đã “thay da, đổi thịt” được như bây giờ. Cuộc chiến với sâu bệnh hại cây trồng nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm trong bối cảnh hiện tại thì không hiệu quả, thậm chí có trường hợp còn phản tác dụng.
Ông Hiển dẫn chứng, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thì vườn cam chắc chắn đã bị chặt bỏ. Nếu trồng lại vừa tốn chi phí mua giống (20.000 đồng/cây) vừa phải đầu tư chăm sóc sau 4 - 5 năm mới bắt đầu được thu hoạch. Trong khi đó, nếu áp dụng kỹ thuật cải tạo và thay đổi phân bón chỉ tiêu tốn khoảng 20.000 đồng/cây/vụ và chỉ sau 1 năm đã có thể cho thu hoạch. Như vậy, giải pháp kỹ thuật đã giúp nông dân tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian, công sức.
Câu chuyện vườn cam của gia đình ông Hiển từ chỗ xác định chặt bỏ, sau 1 năm cải tạo đã cho thu khoảng 4 tấn/ha. Dự kiến năm nay sản lượng còn tiếp tục tăng lên vì cây đã bước vào giai đoạn ổn định nhanh chóng lan rộng. Các hộ trồng cam trong vùng hay tin kéo nhau tìm đến điểm tư vấn tham quan, học tập kinh nghiệm.
Thấm thoắt 2 năm trôi qua, ông Hiển và các cán bộ của điểm tư vấn không nhớ nổi đã có bao nhiêu lượt người tìm tới nhờ hỗ trợ kiến thức. Có những người từ tận Thanh Hóa, Sơn La… cũng lặn lội tìm về.
“Có ngày phải trả lời hàng chục cuộc điện thoại, đi hàng chục cây số vào tận vườn hướng dẫn kỹ thuật nhưng chẳng ai trong tổ tư vấn cảm thấy mệt mỏi; thậm chí còn thấy vui hơn khi các chủ vườn được hỗ trợ đều thu được kết quả tích cực và chính họ khi đã được trang bị đủ kiến thức đã trở thành một tư vấn viên hướng dẫn các hộ mới”, ông Hiển hào hứng.
Thay đổi để theo kịp nhu cầu của nông dân
Chị Phạm Thị Thu Hồng, cán bộ TTKN tỉnh Hòa Bình được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) huyện Yên Thủy (một trong hai tổ thí điểm của tỉnh) tự hào bật mí: Điểm tư vấn miễn phí giúp nông dân vực dậy những vườn cây ngã bệnh chỉ là một trong hàng loạt các hoạt động mà Tổ KNCĐ thí điểm và lực lượng khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai nhằm đồng hành với nông dân trong hành trình phát triển sản xuất bền vững.
Hòa Bình là 1 trong 13 tỉnh trên cả nước tham gia thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ KNCĐ. Tháng 8/2022, Sở NN-PTNT Hòa Bình đã ban hành Quyết định thành lập thí điểm 2 Tổ KNCĐ trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Yên Thủy.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, các Tổ KNCĐ được thành lập đã nối lại sự liên kết của hệ thống khuyến nông trước thực trạng bị “đứt gãy” sau khi sát nhập 3 trạm khuyến nông cấp huyện và giải thể hệ thống khuyến nông cấp xã.
Mặc dù tuổi đời non trẻ, cơ sở vật chật thiếu thốn, thành viên các Tổ thiếu về kinh nghiệm tổ chức thực hiện… nhưng với tinh thần “Đội ngũ cán bộ khuyến nông đến với nông dân bằng cả trái tim mình, đến không chỉ vì nhiệm vụ cao cả mà còn là bổn phận, đến vì thấy mình nên đến, cần đến và phải đến”, các Tổ đã ngay lập tức thể hiện vai trò cầu nối giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp; tư vấn, phổ biến các kiến thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân trong nền kinh tế thị trường; mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; cùng nông dân tạo ra môi trường sản xuất bền vững, an toàn và hiệu quả...
Theo chị Phạm Thị Thu Hồng, cán bộ TTKN tỉnh Hòa Bình, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp nên nhu cầu của nông dân đối với các loại hình dịch vụ khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật cũng ngày càng đa dạng. Từ chỗ chỉ có nhu cầu về kiến thức kỹ thuật là chính đã nâng lên kiến thức tổng hợp, toàn diện (khoa học kỹ thuật, kinh tế, thị trường, pháp luật, xã hội, văn hóa...). Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp các kiến thức, kỹ thuật, Tổ KNCĐ đã đi theo chiều hướng rộng hơn trong việc cùng nông dân tổ chức lại sản xuất, hình thành đội ngũ nông dân ngày càng chuyên nghiệp. |
Theo NNVN
https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/diem-den-mien-phi-hieu-qua-tin-cay-d393947.html