Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với cây lúa. Bởi vậy, những năm qua nhiều địa phương trong vùng đã định hướng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, sản xuất lúa sinh thái, hữu cơ, thuận thiên là một trong những giải pháp giúp hộ dân tăng thu nhập góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Hoạt động khuyến nông luôn chủ động huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp sinh thái, thuận thiên tại ĐBSCL nói riêng và các vùng miền trên cả nước nói chung với phương châm 3 cùng: “cùng tham gia”, “cùng hành động” và “cùng phát triển bền vững”. Trong quá trình triển khai thực hiện đa dạng hóa nguồn lực và các hình thức tiếp cận nhằm tri thức hóa nông dân. Về sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp đã và đang triển khai một số hoạt động về thông tin, truyền thông; đào tạo, nâng cao năng lực; xây dựng mô hình,… nhằm nhân rộng các mô hình lúa sinh thái có tính ưu việt ra sản xuất với nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) tổ chức tại Glasgow vào năm 2021 là đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

leftcenterrightdel
Nuôi tôm và trồng lúa hữu cơ ở vùng bán đảo Cà Mau 

 

Một số mô hình dự án khuyến nông trung ương điển hình triển khai tại ĐBSCL có thể được nhân rộng sau:

- Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu triển khai tại 13 tỉnh ĐBSCL.

- Mô hình canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai triển khai tại Cần Thơ.

- Mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hoá thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ tại một số tỉnh ĐBSCL triển khai tại Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp.

- Mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu tại ĐBSCL triển khai tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.

- Mô hình canh tác lúa - cá triển khai tại Hậu Giang, Đồng Tháp.

- Mô hình nuôi tôm sú - lúa triển khai tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

- Mô hình canh tác lúa - tôm triển khai tại Cà Mau, Bạc Liêu.

 

Các thực hành trong các mô hình sản xuất lúa sinh thái có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là ở ĐBSCL, nơi ngành lúa gạo đang chuyển mình mạnh mẽ. Khi Việt Nam chuyển hướng sản xuất lúa gạo giá trị cao, phát thải thấp, việc áp dụng các nguyên tắc nông nghiệp sinh thái là chìa khóa để đạt được cả tính bền vững về môi trường và khả năng phục hồi kinh tế cho những người nông hộ nhỏ, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, khả năng cạnh tranh lâu dài của ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường liên tục thay đổi.

 

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hợp tác “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững và toàn diện (TRANSITIONS)” giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), năm 2024 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với khuyến nông 12 tỉnh vùng ĐBSCL đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 500 nông dân về sản xuất lúa theo hướng sinh thái và phát thải thấp.

leftcenterrightdel
 Mô hình lúa - cá - vịt đã phát huy hiệu quả sản xuất trong nhiều năm qua tại Đồng Tháp

Thuận thiên để thích ứng, thuận thiên để phát triển, thuận thiên để an nhiên do vậy rất cần tôn trọng quy luật tự nhiên. Hoạt động khuyến nông luôn lựa chọn các mô hình thích ứng theo tự nhiên; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; và tăng cường gắn kết các hoạt động trong hợp tác quốc tế, hợp tác công tư (PPP) về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sinh kế bền vững,…

Phạm Thanh Thuỷ - Trần Thị Diệu

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia