Hạt nhân ở Mai Sơn
Dọc hai bên đường từ trung tâm thị trấn Hát Lót đi vào các xã Chiềng Sung, Chiềng Ban, Chiềng Chăn… của huyện Mai Sơn mùa này bạt ngàn cây trái. Mận sum suê, lúc lỉu trên đồi. Xoài đương độ chín, trái nào trái nấy nần nẫn như bắp chân của những chàng trai Mông quen leo núi. Nhãn, na, dứa, chanh leo… phủ một màu xanh ngút mắt đã khỏa lấp hết núi đồi hoang ngày trước.
Ông Lò Thanh Bang, tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng huyện Mai Sơn cười nói: Nhìn mênh mông thế thôi chứ đồng bào chẳng cho khoảnh đất nào được nghỉ.
“Tổng diện tích gieo trồng hằng năm của Sơn La hiện có khoảng 212.602 ha, trong đó diện tích cây ăn quả tính đến hết năm 2023 là 84.160 ha… Sơn La bây giờ có lẽ đã trở thành thủ phủ cây ăn quả lớn nhất của cả nước. Vùng nhãn gần 20.000 ha ở Sông Mã, Mai Sơn, Thuận Châu…, vùng mận hơn 12.400 ha ở Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ…, vùng xoài hơn 19.692 ha; vùng na, chuối, dâu tây, chanh leo… Hay ở chỗ, mỗi vùng đất là một vùng nguyên liệu và sứ mệnh của chúng tôi là kết nối, đồng hành để xây dựng vùng nguyên liệu ngày càng rộng lớn”, tổ trưởng Lò Thanh Bang chia sẻ. Giọng hào hứng lại còn pha cả tiếng huýt sáo tươi vui trên đường vào Chiềng Sung.
Ông Bang là một người Thái, xuất thân là kỹ sư trồng trọt, vốn đang yên vị làm viên chức tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La thì đột nhiên được phân công làm tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng đầu tiên của tỉnh Sơn La. Chính xác là vào tháng 8/2022 khi Sơn La thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” do Bộ NN-PTNT ban hành.
“Dù đã có tuổi nhưng mình vẫn xung phong vì thấy đề án này ý nghĩa quá. Bối cảnh Sơn La lúc đó đội ngũ cán bộ nông nghiệp ở cơ sở nhiều xáo trộn lắm. Tách tách nhập nhập, nhiều chỗ bị đứt gãy, rất khó khăn trong chỉ đạo sản xuất. Nên ngay khi đề án vừa ban hành, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định thành lập 2 tổ thí điểm ở Mai Sơn và Thuận Châu, mình lên đường luôn”, vẫn là ông Bang, vẫn chất giọng nhẹ nhàng của người Thái đen, hòa lẫn trong nụ cười hiền.
Tổ khuyến nông cộng đồng huyện Mai Sơn tổng cộng có 8 thành viên. Ngoài tổ trưởng Lò Thanh Bang còn có một tổ phó là chị Hà Thị Bích Nguyệt, kỹ sư chăn nuôi đang công tác ở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn. Các thành viên còn lại bao gồm lãnh đạo UBND, một số trưởng các đơn vị đoàn thể cấp xã và đặc biệt có sự tham gia của đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco).
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, hiệu quả của mô hình tổ khuyến nông cộng đồng ở Sơn La đã được thể hiện rõ rệt. Đặc biệt là vai trò hạt nhân trong chuỗi liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến.
Điển hình như ở huyện Mai Sơn, ngày trước vốn được biết đến là thủ phủ ngô gian khó, vậy mà bây giờ đã có hơn 11.200 ha cây ăn quả các loại. Trong đó có 4.201 ha cây ăn quả thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 1.800 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ, 1.119 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Thành tựu ấy, lẽ tất nhiên là nhờ chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của các cấp chính quyền, nhờ nỗ lực và đức tính cần cù của bà con, cùng với đó là vai trò của đội ngũ khuyến nông cộng đồng. Trên cao nguyên Nà Sản, dưới thung lũng Cò Nòi bây giờ có những mô hình trồng na, dâu tây thu hơn 1 tỷ đồng/ha. Có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.373,7ha và 1.726 hộ gia đình tham gia liên kết...
Doanh nghiệp kiến nghị nhân rộng
Chúng tôi đến Chiềng Sung, vùng đất đai màu mỡ, rộng mênh mông của Nông trường Chiềng Sung ngày trước. Đậu tương rau xanh mướt mắt. Một vùng nguyên liệu rộng lớn bà con đang liên kết với Doveco trồng phục vụ Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.
Chị Lò Thị Mai, một người Thái ở bản Búc buông cuốc chuyện trò: Kể từ khi tổ khuyến nông cộng đồng huyện Mai Sơn đi vào hoạt động, đều đặn hằng tuần, hằng tháng, những cán bộ khuyến nông như ông Bang, chị Nguyệt cùng với các tổ viên xuống vận động bà con tham gia chuỗi liên kết, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn, phát triển hợp tác xã… Nhờ đó bà con biết trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc như thế nào, biết ký hợp đồng bán cho công ty, chứ cứ như ngày trước thì loay hoay lắm.
Một cán bộ xã Chiềng Sung cũng chia sẻ thêm, Chiềng Sung hôm nay trở thành vùng sản xuất nguyên liệu rộng lớn với 2.220 ha ngô các loại, hơn 54 ha lúa, 791 ha cây ăn quả, hơn 170 ha mía, gần 800 ha cây hoa màu… Năm 2023, thông qua Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, 200 hộ dân trong xã liên kết sản xuất ngô ngọt, rau chân vịt, rau đậu tương cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Doveco Sơn La.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, năm 2023, Doveco Sơn La đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh trồng hơn 2.000 ha các loại dứa, chanh leo, ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt, sản lượng thu hoạch trên 16.400 tấn. Có được kết quả đó là nhờ công rất lớn của lực lượng khuyến nông cộng đồng. Thông qua mô hình tổ khuyến nông cộng đồng huyện Mai Sơn đã kết nối, tuyên truyền đến bà con cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật cho bà con nông dân đối với từng loại cây trồng. Có thể ví von đội ngũ khuyến nông cộng đồng giống như hạt nhân kết nối giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Để đáp ứng công suất nhà máy 52.000 tấn thành phẩm/năm, tương đương 150.000 tấn nguyên liệu, trong năm 2024, Doveco Sơn La mong muốn tiếp tục đồng hành với các cấp, chính quyền địa phương và bà con nông dân trên địa bàn các huyện, thành phố, phát triển vùng nguyên liệu lên trên 5.000ha các loại như chuối tiêu hồng, rau chân vịt, xoài, ngô ngọt, chanh leo, nhãn, đậu tương rau.
“Với hiệu quả của mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã thể hiện rõ ràng, chúng tôi mong muốn phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình này ở các vùng nguyên liệu của Doveco như Ninh Bình, Gia Lai… Doveco mong muốn được tham gia trực tiếp vào mô hình để cùng với địa phương và bà con phát triển”, ông Tùng nhấn mạnh.
Lan tỏa mạnh mẽ
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La khẳng định, sau 2 năm thực hiện đề án, từ 2 tổ khuyến nông cộng đồng đầu tiên được thành lập tại huyện Mai Sơn và Thuận Châu cùng với 8 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng, đến nay Sơn La đã có 98 tổ khuyến nông cộng đồng ở Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Yên Châu, Bắc Yên, Sốp Cộp…
Nhìn nhận tổng thể, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng Sơn La thực sự đã trở thành người bạn đồng hành, tin cậy của nhà nông và doanh nghiệp. Lực lượng khuyến nông cộng đồng ở Sơn La đã tham gia vào các dự án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc, Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc…
Năm 2023 đã kết nối với Doveco Sơn La tiêu thụ được 3 tấn dứa quả cho nông dân huyện Yên Châu; Công ty Bảo Lâm tiêu thụ được 2 tấn dứa quả cho nông dân huyện Quỳnh Nhai. Kết nối với thương lái tại các điểm du lịch, thu mua tiêu thụ được 2 tấn dứa quả cho nông dân huyện Mộc Châu; Công ty Nafoods Gia Lai tiêu thụ trên 100 tấn chanh leo; thương lái tại chợ Long Biên tiêu thụ trên 50 tấn chanh leo và 15 tấn na; thương lái Trung Quốc tiêu thụ 22 tấn chanh leo qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn cho nông dân huyện Mai Sơn…
“5 nhiệm vụ chính của Khuyến nông cộng đồng Sơn La là hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn, vận động thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, hợp tác xã về phát triển thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Đến nay có thể thấy các nhiệm vụ này đều được khuyến nông cộng đồng Sơn La hoàn thành xuất sắc”, ông Ngọc phấn khởi. |
Theo NNVN