Yêu cầu của sản xuất và những lợi thế đáp ứng của máy sạ cụm …
Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, tại thời điểm vụ Thu Đông 2023 hiện nay, lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha mới chỉ chiếm 15,35%, lượng giống gieo sạ 100 – 150 kg/ha chiếm 72,25% và lượng giống gieo sạ trên 150 kg/ha chiếm 12,40%. Trong thực tế, mật độ gieo sạ còn cao hơn nhiều, còn cách khá xa so với mức khuyến cáo 80 – 100 kg/ha của ngành nông nghiệp, và còn xa hơn nữa so với mục tiêu đề án “một tiệu héc-ta” giảm còn dưới 70 kg/ha vào năm 2030. Ruộng sạ cụm chỉ sử dụng lượng hạt giống tối thiểu (từ 40 – 60 kg/ha), giúp giảm được 60 – 70% lượng hạt giống sử dụng so với tập quán gieo sạ quá dày hiện nay. Với ý nghĩa này, có thể nói máy sạ cụm đã làm được cuộc “cách mạng” trong giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ hiện nay, một điều mà ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã phát động nhiều năm, nhưng kết quả vẫn còn trong mong đợi.
Cũng cần phải nói rõ hơn, đồng hành với chủ trương giảm lượng giống gieo sạ là chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, trong đó đặc biệt quan tâm là cơ giới hóa khâu xuống giống, vì đây là khâu hiện còn yếu nhất theo mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; hơn nữa, cơ giới hóa khâu xuống giống có thể góp phần cho việc giảm lượng giống gieo sạ, là yêu cầu bức bách của sản xuất nhằm giảm chi phí, gia tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trong điều kiện giá vật tư đầu vào ngày càng gia tăng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường... Trong mối tương quan trên thì thời gian qua, máy cấy được xem là thiết bị có thể đồng hành với chủ trương giảm lượng giống gieo sạ, đẩy mạnh cơ giới hóa khâu xuống giống bằng máy cấy, từ đó góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương giảm lượng giống gieo sạ.
Tuy nhiên, chủ trương là vậy, cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực khác phối hợp (như Quyết định 61, 63, 65, 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp…), nhưng đến nay đã qua thời gian phát động khá lâu, máy cấy vẫn chưa được sản xuất chấp nhận như là giải pháp hiệu quả phục vụ cơ giới hóa khâu xuống giống. Nguyên nhân là do:
- Chi phí đầu tư mua sắm thiết bị quá cao (phải mua sắm đồng bộ nhiều thiết bị mới hoạt động được, bao gồm: máy cấy, máy xay đất, máy gieo hạt, khay gieo hạt, mặt bằng chăm sóc mạ …);
- Do chi phí đầu tư lớn nên chi phí gieo cấy quá cao so với tập quán gieo sạ hiện nay (do phải trải qua giai đoạn gieo và chăm sóc mạ khay);
- Nền ruộng ở nhiều địa phương sình lầy, không đảm bảo độ cứng cho máy cấy hoạt động.
Khác với máy cấy, máy sạ cụm có thể khắc phục được các mặt hạn chế trên của máy cấy:
- Người nông dân không cần phải đầu tư đồng bộ cả dàn máy sạ cụm với kinh phí lớn mà chỉ cần đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo cụm) với kinh phí phù hợp để kết nối với các loại máy làm đất, như máy cày lớn, máy xới nhỏ… là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến trong vùng. Và như thế, người nông dân có thể sử dụng các “cỗ máy ghép” này vừa để làm đất vừa phục vụ xuống giống theo nhu cầu, đáp ứng được việc vừa giảm chi phí đầu tư thiết bị đồng bộ ban đầu, vừa tăng thời gian hoạt động của máy móc đã đầu tư trước đó.
- Máy sạ cụm sử dụng hạt giống khi sạ, khỏi phải qua công đoạn gieo mạ khá phức tạp, tốn thêm chi phí, do đó giá thành khâu xuống giống bằng giải pháp sạ cụm chỉ bằng 1/3 so với giá thành khâu xuống giống bằng giải pháp cấy.
-Dàn sạ cụm liên kết được với nhiều thiết bị, máy móc khác nhau, có vòng bánh, cỡ bánh, cấu trúc bánh khác nhau, tương thích với nhiều địa hình, nền ruộng lún lầy khác nhau nên khắc phục được tình trạng “kén” đất như của máy cấy đối với các nền ruộng sình lầy, không đảm bảo độ cứng cho máy hoạt động.
Ngoài ra, máy sạ cụm còn có năng suất làm việc cao hơn (6–8 ha/ngày) so với máy cấy chỉ đạt 3–4 ha/ngày, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung, né rầy, là yêu cầu của sản xuất lúa vùng ĐBSCL.
|
|
Dàn sạ cụm gắn trên máy cày lớn đang hoạt động |
Ngoài lợi thế sạ cụm giúp giảm được lượng hạt giống lúa gieo sạ, điều quan trọng hơn, từ việc giảm giống đã kéo theo hàng loạt lợi thế khác:
- GIẢM lượng phân bón vô cơ sử dụng so với sạ lan, sạ dày khoảng 10 – 15% (do sạ thưa, nhu cầu dinh dướng giảm);
- GIẢM sử dụng thuốc BVTV 1 – 2 lần phun/vụ (do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sáng, nên giảm áp lực sâu, bệnh);
- GIẢM sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học (mà thay vào đó có thể làm cỏ bằng cơ giới do ruộng lúa được sạ theo hàng, theo cụm);
- GIẢM chi phí sản xuất (do giảm giống, giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ…);
- GIẢM ô nhiễm môi trường (do giảm phân bón vô cơ, giảm sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ ...);
- GIẢM phát thải (do giảm lượng vật tư đầu vào, như giống, phân bón, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ hóa học, nước tưới …);
- GIẢM tình trạng ruộng lúa đổ ngã (do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sáng, thân lúa cứng, rể lúa ăn sâu, đồng thời các cây lúa sinh trưởng phát triển theo cụm, đan xen nhau, nương tựa nhau …);
- GIẢM chi phí khử lẩn trong sản xuất giống (do ruộng lúa sạ theo cụm, theo hàng nên dễ khử lẫn);
- TĂNG năng suất lúa (do lúa sạ theo cụm, theo hàng nên tiệm cận và phát huy được hiệu ứng hàng biên/hàng bờ);
- TĂNG chất lượng hạt lúa/gao (do ruộng sạ cụm ít sử dụng thuốc BVTV nên hạt lúa sạch, không tồn dư thuốc BVTV, đồng thời do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sáng nên hạt lúa sáng, chắc, mẫy …);
- TĂNG hiệu quả kinh tế sản xuất lúa (do tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất lúa).
Các lợi thế trên bắt nguồn từ việc sử dụng lượng hạt giống tối thiểu trong gieo sạ và quan trọng hơn là, không chỉ giảm lượng giống mà thông qua cấu trúc “hộp đen gieo giống” của thiết bị sạ cụm, hạt giống được phân bố đều trên mặt ruộng theo hàng, theo cụm với mật độ gieo theo yêu cầu; qua đó giúp ruộng lúa tiếp cận và phát huy được lợi thế của hiệu ứng hàng biên/hàng bờ cho sinh trưởng, phát triển mà các hình thức gieo sạ khác không đáp ứng được!
Có thể nói, sạ cụm đã hội tụ đủ các lợi thế về mặt kỹ thuật của giải pháp cấy, đồng thời còn khắc phục được mặt hạn chế về chi phí khâu cấy quá cao và khả năng vượt lầy trên nền đất yếu chưa khắc phục được.
Mặt khác, nếu sạ cụm kết hợp được với giải pháp bón vùi phân cùng lúc với gieo sạ thì sẽ khai thác triệt để hơn các lợi thế của sạ cụm, đồng thời cộng hưởng thêm các lợi thế đã được trình bày trong bài: https://khuyennongvn.gov.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/sa-cum-bon-vui-phan-cap-doi-hoan-hao-trong-canh-tac-lua-22839.html
Với những lợi thế trên, giải pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân có thể giúp giảm lượng phân bón 20 – 30% so với quy trình bón phân vải trên mặt ruộng nhiều lần như cách làm lâu nay.
|
|
MH lúa sạ cụm 27 ngày tuổi tại Thới Lai - Cần Thơ, vụ HT 2022 |
|
|
Kết quả ruộng sạ tại Tân Châu - An Giang |
Kết quả thực tế trên đồng ruộng
Hiện nay bà con nông dân vùng ĐBSCL đang đón nhận máy sạ cụm như là giải pháp cơ giới hóa hiệu quả khâu xuống giống cho sản xuất lúa trong vùng. Có thể nói máy sạ cụm là tiến bộ kỹ thuật kép, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa.
Thực tế kết quả mô hình sạ cụm kết hợp bón vùi phân do Sài Gòn Kim Hồng phối hợp với các doanh nghiệp phân bón và địa phương triển khai tại một số địa phương vùng ĐBSCL từ vụ Hè Thu 2021 đến vụ Hè Thu 2023 khẳng định lợi thế vượt trội của giải pháp sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón phân vùi.
Kết quả một số điểm mô hình cụ thể: https://khuyennongvn.gov.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/sa-cum-bon-vui-phan-cap-doi-hoan-hao-trong-canh-tac-lua-22839.html
Cơ sở pháp lý để nhân rộng mô hình
Trên cơ sở đó, ngày 25/4/2022, Cục Trồng trọt đã đưa mô hình sạ cụm vào “Quy trình canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN.
Tiếp theo, ngày 14/3/2023 mô hình sạ cụm được đưa vào “Quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” theo Quyết định số 102/QĐ-TT-VPPN.
Từ tính thuyết phục của mô hình sạ cụm, ngày 31/10/2023 Cục Trồng trọt đã công nhận và ban hành quy trình riêng hướng dẫn nhân rộng cho mô hình này: “Quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long” theo quyết định số 396/QĐ-TT-VPPN.
Cơ hội đột phá
Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Giải pháp sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm bón vùi phân, với những lợi thế vượt trội như đã phân tích trên hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu và góp phần thực hiện tốt mục tiêu của đề án.
Theo tính toán, để hoàn thành 1 triệu héc-ta gieo trồng mỗi vụ, với công suất gieo sạ 5 ha/ngày, thời gian hoạt động mỗi vụ 20 ngày (có chạy đồng), tuổi thọ máy 10 năm thì cần đầu tư mới mỗi năm 1.000 chiếc.
Với số lượng thiết bị sạ cụm cần đầu tư hàng năm 1.000 chiếc để đáp ứng mục tiêu 1 triệu héc-ta của đề án, tổng kinh phí cần đầu tư hàng năm sẽ là 150 tỉ đồng. Kinh phí này là không lớn so với nguồn tiết kiệm từ vật tư đầu vào. Chỉ tính riêng khâu giống đã tiết kiệm 50 – 100 kg/ha/vụ, tương ứng cả đề án 1 triệu héc-ta tiết kiệm 750 – 1.500 tỉ đồng/vụ. Ngoài ra, còn tiết kiệm các nguồn vật tư đầu vào khác, như phân bón, thuốc BVTV, nước tưới… và các lợi ích khác, như giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải… cùng với gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
|
|
Máy sạ cụm bón vùi phân hoạt động tại Châu Phú - An Giang |
Ngô Văn Đây