Nghị định đã quy định đồng bộ các chính sách vừa khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép hiện đại, tổ chức vươn khơi khai thác để bảo vệ tài nguyên nguồn lợi biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, vừa khuyến khích ngư dân đóng tàu dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển, sơ chế, bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm so với kỹ thuật trước đây, từ đó sẽ nâng cao giá trị, giá xuất bán sản phẩm.
Đây là chủ trương, chính sách lớn, đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Ở Phú Yên, đến nay Ngân hàng BIDV Phú Yên đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới 4 tàu, nâng cấp 1 tàu (tàu vỏ gỗ) với vốn đầu tư 47,9 tỷ đồng, trong đó: vốn vay 33,14 tỷ đồng. Ngân hàng đang chuẩn bị ký hợp đồng với 1 ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vốn đầu tư 14,97 tỷ đồng, trong đó: vốn vay 14,22 tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù ngư dân rất kỳ vọng sẽ được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác xa bờ, phát triển sản xuất thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng thực tiễn quá trình triển khai thực hiện chính sách đã bị chậm do còn gặp phải rất nhiều vướng mắc.
* Vốn đối ứng, thời hạn vay:
Ông Phan Thuẩn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa chia sẻ: Vướng mắc lớn nhất để thực hiện Nghị định là vốn đối ứng. Theo Nghị định, tùy thuộc vào chất liệu vỏ tàu và công suất máy chính, ngư dân có thể vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, thời hạn vay 11 năm, lãi vay chủ tàu phải trả từ 1 – 3%/năm.
Nhưng giá trị mỗi tàu lên đến 10 - 15 tỷ đồng thì rõ ràng yêu cầu đầu tiên về vốn đối ứng vào khoảng 3 - 4 tỷ đồng là một thách thức quá lớn đối với bà con.
“Nghề khai thác xa bờ mưu sinh, cố gắng nhiều nhưng tích lũy không được bao nhiêu, lúc khai thác sản lượng nhiều, giá lại giảm, lúc giá tăng thì lại không có cá. Cả đời người may ra có được 1 con tàu, 1 cái nhà là tốt lắm rồi, chứ bây giờ nộp vốn đối ứng 3 – 4 tỷ đồng bằng tiền mặt biết lấy đâu ra”.
Ông đề nghị Nhà nước cho phép ngư dân lấy các tài sản cố định hiện có như nhà cửa, tàu thuyền, máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ… làm vốn đối ứng, xem như đây là phần vốn của chủ sở hữu tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh hoặc nộp trước một phần, phần còn lại sẽ tham gia dần trong quá trình đóng tàu, mua máy móc thiết bị.
Ông cũng đề nghị nâng thời hạn cho vay, vì với thời hạn 11 năm thì rất ngắn so với thời gian sử dụng tàu, thời gian phát huy hiệu quả của đồng vốn đầu tư. Ngoài ra với thời hạn này trung bình mỗi năm ngư dân phải trả lãi vay, nợ gốc lên đến khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền rất lớn đối với ngư dân, nhất là trong tình hình khai thác hiện nay: thời tiết diễn biến bất thường, quá trình khai thác trên biển thường phải đương đầu với nhiều hiểm nguy không lường được, sản lượng khai thác không ổn định trong lúc đó yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu lại ngày càng khắt khe.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67
* Cơ sở hạ tầng nghề cá:
Ông Lương Luận – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa cho biết: Địa phương là vùng biển bãi ngang, cửa biển thường xuyên bị bồi đắp, tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Ông đề nghị các cấp các ngành tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, cầu cảng, nâng cấp, hiện đại hóa các cảng hiện có cho cân đối với sự phát triển của đội tàu như cảng cá Đông tác, cảng cá Phường 6… Cần tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng giúp ngư dân nâng cao trình độ kỹ thuật nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu tiến bộ kỹ thuật hiện đại để phát triển mạnh khai thác xa bờ kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Triển khai chính sách một cách thận trọng là đúng đắn, cần thiết, nhưng không vì vậy mà làm cho quá trình thực hiện bị chậm lại. Đề nghị các cấp, các ngành chung tay tháo gỡ những kiến nghị phù hợp để Nghị định sớm đi vào cuộc sống của mọi người ■
Huỳnh Văn Vũ
Trạm KNKN TP Tuy Hòa, Phú Yên