Là một hoạt động được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT tổ chức hằng năm, Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay có chủ đề gắn với Năm dữ liệu số quốc gia, đó là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Chuyển đổi số đã được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng thuộc nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Tiếp đó, vào ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, qua đó tuyên truyền đến toàn dân về tầm quan trọng và lợi ích mang lại của quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của từng cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, hiện tất cả các bộ, ngành, địa phương đều đã chọn ngày chuyển đổi số của bộ, tỉnh mình, trong đó có 3 bộ, ngành và 5 địa phương chọn ngày chuyển đổi số địa phương riêng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ngày 19 tháng 8 hàng năm là ngày Chuyển đổi số trong Nông nghiệp với mục đích nâng cao nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện thắng lợi chương trình chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Năm 2023 là năm chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; trong đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ trong việc tiên phong ứng dụng thực hiện và tuân thủ quy trình chuyển đổi số của đơn vị. Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số gắn với xác định rõ lộ trình, mục tiêu cụ thể; dẫn dắt đơn vị từng bước chuyển đổi từ phương thức hoạt động cũ sang cách vận hành mới, cải cách hành chính thực chất, nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Từ đó, xây dựng tư duy số, phong cách làm việc số và môi trường làm việc số; đồng thời tạo đột phá trong xây dựng, phát triển dữ liệu nền tảng số, nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm thúc đẩy toàn diện, thực chất hoạt động chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
BBT