Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cho cây mía                  tại xóm Pác Tò, thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa)

Đây là dự án thuộc chương trình dự án năm 2015 với sự hỗ trợ kinh phí thực hiện của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Dự án được thực hiện tại Thị trấn Hòa Thuận và xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa quy mô 15 ha (trong đó: thị trấn Hòa Thuận 5 ha, xã Đại Sơn 10 ha) với 75 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống mía Roc 22, 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây mía. Mô hình áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật theo đúng quy trình kỹ thuật ở tất cả các khâu.

Đến nay, sau 10 tháng triển khai thực hiện mô hình đã đạt được những kết quả nhất định. Theo kết quả ghi nhận tại hội thảo, trên diện tích mía của mô hình, cây mọc đều đảm bảo mật độ, không mất khoảng cách, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao, ít sâu bệnh, gẫy đổ. Đường kính thân cây to mập, chiều cao cây đạt khoảng 280 cm, cao hơn nhiều so với các ruộng mía trồng theo truyền thống. Ngoài ra, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong khâu làm đất nên đất tơi xốp, thoáng khí, tạo điều kiện thuận lợi cho cây mía phát triển. Mía thực hiện biện pháp thâm canh theo mô hình cho năng suất, sản lượng cao hơn so với mía trồng theo phương pháp truyền thống, năng suất ước đạt 80 tạ/ha, trữ lượng đường khoảng 11%. Hiệu quả kinh tế tạm tính sau khi trừ các chi phí đầu tư ban đầu, cho thu lãi khoảng trên 3 triệu đồng/1.000 m2.

Tại hội thảo, các hộ đã chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện thâm canh mía theo quy trình kỹ thuật mới, cách làm đất, rạch hàng, khoảng cách mật độ trồng, cách xử lý hom giống, đặt hom đúng kỹ thuật, cách chăm sóc cây mía để đem lại năng suất cao.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện chính quyền 2 xã cho biết, đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trước đây người dân tại 2 xã đã sản xuất mía để ép đường song chỉ thực hiện theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất không cao, tốn công chăm sóc, sâu bệnh nhiều làm giảm hiệu quả kinh tế. Mô hình thực hiện cho thấy mức đầu tư so với phương pháp trồng truyền thống tăng không đáng kể nhưng hiệu quả kinh tế thu lại tăng gấp 2 lần. Người nông dân tham gia mô hình được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ và khoa học kỹ thuật mới trong cách trồng, chăm sóc cây mía thâm canh làm tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình cũng giúp chính quyền địa phương có định hướng trong phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Lệ Quyên

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cao Bằng