Thông qua các chương trình hợp tác như đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình, hội thảo, thông tin tuyên truyền và tham quan học tập, TTKNQG đã tổ chức các hoạt động để tăng cường năng lực cho một số cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông ở các tỉnh, thành phố phát triển chăn nuôi trâu, bò như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng… tuy nhiên số lượng các hoạt động còn khiêm tốn.
Hiện nay, TTKNQG cũng như một số tỉnh, thành phố đã tham gia các hoạt động trên đều có cán bộ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể cần bổ sung thức ăn tinh trong khẩu phần ăn; xử lý rơm với vôi, ure; bổ sung một số loại thức ăn thô xanh, khoáng đa, vi lượng (đá liếm) và đặc biệt là sử dụng phần mềm do USDA tài trợ để quản lý, cân đối khẩu phần thức ăn cho bò để tăng khả năng tiêu hóa và giảm phát thải khí nhà kính.
Chế biến thức ăn thô xanh cho chăn nuôi gia súc
Trong những năm qua, ở Việt Nam, chăn nuôi bò tương đối phát triển, năm 2017 tăng 2,88 %, năm 2018 tăng 2,62 %. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, thời gian tới, thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc sẽ là trọng tâm của chiến lược chăn nuôi bền vững. Đây là giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng và đặc biệt là giúp giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn đang bị tấn công bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, khi phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, cần phổ biến rộng rãi những kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính vì gia súc nhai lại góp phần không nhỏ trong việc phát thải khí nhà kính.
Thời gian tới, thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc sẽ là trọng tâm của chiến lược chăn nuôi bền vững
Gia súc nhai lại đặc trưng với dạ dày kép gồm 4 túi, trong đó dạ cỏ chiếm hầu hết nửa trái của xoang bụng, từ cơ hoành đến xương chậu, chiếm 85-90% dung tích dạ dày, 69% diện tích bề mặt dạ dày. Dạ cỏ được coi là một thùng lên men lớn. Khi ăn thức ăn thô, gia súc thường nhai chưa kỹ, thức ăn được nuốt vào vẫn dưới dạng kích thước lớn do đó vi sinh vật dạ cỏ khó có thể lên men hoàn toàn. Chất chứa dạ cỏ liên tục được nhào trộn nhờ sự co bóp theo nhịp của vách dạ cỏ. Phần thức ăn chưa được nhai kĩ có kích thước lớn nằm trong dạ cỏ và dạ tổ ong, được ợ lên theo từng miếng vào thực quản và trở lại xoang miệng để gia súc nhai lại. Quá trình lên men ở dạ cỏ sinh ra khí các-bô-nic và hydro, hai khí này kết hợp với nhau tạo ra một phụ phẩm lên men là khí mê-tan, khí này không được gia súc sử dụng, mà được thải ra ngoài cơ thể thông qua phản xạ ợ hơi.
Lượng thức ăn thô ăn vào được quyết định bởi chất lượng của thức ăn như độ hoà tan, phần không hoà tan nhưng có thể lên men được, tốc độ phân giải phần không hoà tan và độ ngon miệng. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu biết đặc tính của mỗi loại thức ăn, cách chế biến thức ăn, cân bằng dinh dưỡng, cân đối khẩu phần và chế độ cho ăn để gia súc tiêu hóa triệt để các dinh dưỡng có trong thức ăn, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm khí mê-tan thải ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Để tiếp tục phổ biến rộng rãi những kiến thức, kinh nghiệm quý báu trên, rất cần tập trung kinh phí khuyến nông Trung ương, địa phương cũng như nguồn lực khác để tổ chức các hoạt động như xây dựng mô hình, đào tạo, tập huấn, hội thảo, thông tin tuyên truyền và thăm quan học tập cho cán bộ khuyến nông, các chủ trang trại chăn nuôi bò và các cộng tác viên khuyến nông khác để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ được áp dụng những kỹ thuật chăn nuôi, tăng năng suất đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Nguyễn Thị Liên Hương
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia