Cán bộ kiểm lâm kiểm tra cơ sở chế biến gỗ
Trước tình hình trên, đồng chí Ngô Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Lương đã nghiên cứu học hỏi, áp dụng nhiều sáng kiến, đổi mới trong lĩnh vực chuyên môn và lãnh đạo nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và quản lý lâm sản trên địa bàn huyện.
Cùng với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng tham gia bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm huyện Phú Lương tăng cường phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình huyện thực hiện các phóng sự, chuyên mục quản lý bảo vệ rừng hàng tháng… Đồng thời tập trung công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tập huấn kỹ thuật trồng rừng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện; riêng năm 2014 Hạt Kiểm lâm đã tổ chức được 40 buổi tuyên truyền với hơn 2,5 nghìn lượt người tham dự.
Đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ rừng tới đối tượng học sinh là thế hệ tương lai của đất nước; năm 2013 và 2014 Hạt kiểm lâm đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phú Lương tổ chức 02 cuộc thi tuyên truyền về Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của các thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn huyện.
Nhờ việc đổi mới về phương thức, nội dung nên hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến QLBVR được nâng lên rõ rệt; cơ bản các chủ rừng và người dân đã nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với công tác QLBVR và tầm quan trọng của rừng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường tại địa phương.
Bên cạnh đó các cán bộ kiểm lâm huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác của các chủ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản… trên địa bàn
Việc phát triển nhân nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã sẽ duy trì, bảo tồn được nguồn gen, hạn chế việc khai thác, săn bắn từ tự nhiên, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Trước đây, việc chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện Phú Lương chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ; lãnh đạo Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, hỗ trợ về kỹ thuật, thủ tục pháp lý để các hộ gia đình nhân rộng các mô hình chăn nuôi động vật rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện Phú Lương đã có 37 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, với gần 7.500 cá thể gồm: rắn hổ mang thường, rắn ráo trâu, rắn sọc dưa, nhím, cầy vòi mốc, cầy vòi hương, dúi, lợn rừng, hươu sao...
Một trong những nét nổi bật trong công tác QLBVR trên địa bàn huyện Phú Lương là quyết tâm từng bước đẩy lùi tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; Hạt kiểm lâm đã kiện toàn, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát lâm sản cho Tổ Kiểm lâm cơ động; đồng thời, tổ chức phát động phong trào nhân dân tố giác các đầu nậu (qua đường dây nóng), không dung túng tiếp tay cho lâm tặc. Từ năm 2010 - 2014, lực lượng kiểm lâm của Hạt đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm luật bảo vệ rừng thu được kết quả tốt. Đã phát hiện và sử lý hơn 250 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản; tịch thu hơn 300 m3 gỗ các loại, 02 xe ô tô, 45 xe máy… nộp ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng.
Đồng chí Ngô Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Lương cho biết, qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; đến nay trên địa bàn huyện Phú Lương không còn điểm nóng, nổi cộm về tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Dương Trung Kiên
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên