Hội thảo có sự tham gia của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Pác Nặm, lãnh đạo các xã trong huyện cùng sự tham gia của nhóm trưởng các nhóm sở thích..., mục tiêu của việc triển khai hoạt động này giúp người dân thay đổi quan điểm, cách nghĩ, cách làm rằng việc trồng cỏ không chỉ đơn thuần là làm thức ăn chăn nuôi mà việc trồng cỏ còn hướng tới mục tiêu bảo vệ đất dốc, hạn chế sói mòn, từ đó ổn định sinh kế lâu dài cho người dân canh tác trên đất dốc.

Xã Nghiên Loan nói riêng và các xã trong huyện Pác Nặm nói chung đều là những xã vùng cao, diện tích đất canh tác bình quân đầu người thấp, qua nhiều đời người dân vẫn chủ yếu canh tác trên đất dốc theo kiểu cha truyền, con nối, những cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, khoai, đậu tương..., là những cây trồng chủ đạo được người dân lựa chọn nhằm giải quyết vấn đề cái ăn, cái mặc trước mắt. Tuy vậy việc canh tác trên đất dốc qua một thời gian dài mà thiếu các giải pháp đồng bộ để cải tạo đất đã làm cho đất ngày càng thoái hóa, năng suất cây trồng ngày càng giảm dần, thu nhập từ canh tác đất dốc ngày càng hạn chế dẫn đến áp lực về thời vụ gieo trồng, thời vụ thu hoạch so với lao động nên cây trồng thường không được trồng, thu hoạch, bán ra thị trường vào lúc có lợi nhất cho người dân. Khi năng suất cây trồng giảm không đảm bảo nhu cầu và sinh kế của người dân, họ lại bỏ nương rẫy cũ, phát rừng làm rẫy mới, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, nương rẫy ngày càng xa nhà, công sức, chi phí tạo ra một sản phẩm ngày một lớn..., những hậu quả của việc khai thác đất dốc thiếu hợp lý đã, đang diễn ra ngày càng làm cạn kiệt nguồn nước, nghèo kiệt tài nguyên đất, rừng cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn, người nghèo là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất. Trước thực trạng trên để giúp người dân ổn định cuộc sống và sinh kế lâu dài trên đất dốc trong khuôn khổ của Dự án 3PAD (Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông, lâm nghiệp), đã xác định việc trồng cỏ và phát triển chăn nuôi là vấn đề ưu tiên, nó không chỉ đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân mà còn là một trong những sáng kiến bảo vệ môi trường.

Là một trong những huyện có số lượng đàn gia súc lớn nhất trong tỉnh cộng với đó là chợ đầu mối buôn bán bò lớn nhất trong tỉnh, do vậy nhu cầu về thức ăn thô xanh cho đàn gia súc là rất lớn, trong khi nguồn thức ăn thô xanh ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm do các chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc như chương trình 661, 147..., làm cho diện tích đất cỏ tự nhiên cho chăn nuôi ngày càng thu hẹp. Vì vậy để phát triển đàn gia súc tăng nhanh về số lượng cũng như về thể trọng không thể chỉ trông chờ vào các nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên. Để giúp người dân chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc đồng thời có những biện pháp bảo vệ đất dốc canh tác một cách bền vững, năm 2011 dự án 3PAD phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm Bắc Kạn triển khai hoạt động khuyến khích các nhóm hộ trồng cỏ đa tác dụng trên các chân đất dốc thông qua các nhóm sở thích được xác định là việc làm cần thiết nó không những giúp người dân chủ động được nguồn thức ăn xanh trong chăn nuôi mà còn cải tiến phương thức nuôi, chuyển từ phương thức nuôi tự do thiếu kiểm soát sang phương thức nuôi có kiểm soát, chủ động vỗ béo, từ đó tăng tầm vóc, thể trọng cho đàn vật nuôi, đồng thời giải phóng sức lao động cho người dân tạo ra quỹ thời gian nhàn rỗi tham gia vào các hoạt động khác tìm kiếm nguồn thu nhập cho gia đình (Một ngày thay vì mất 6 giờ chăn trâu, bò người dân chỉ mất khoảng 1 giờ thu cỏ về cho trâu, bò ăn). Thông qua hoạt động này giúp người dân địa phương thay đổi cách nghĩ rằng trồng cỏ không chỉ đơn thuần chỉ làm thức ăn cho gia súc mà còn bảo vệ đất dốc hạn chế sói mòn..., để đảm bảo các hoạt động của dự án thu được kết quả tốt ngay từ đầu trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã ra các văn bản chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các xã sở tại xem xét, rà soát nhu cầu của các hộ trên cơ sở đó hình thành các nhóm sở thích trồng cỏ, song song với đó là các hình thức tuyên truyền, vận động người dân thông qua các hình thức tuyên truyền giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của hoạt động trồng cỏ. Bằng những bước đi thiết thực, nhũng việc làm cụ thể đến nay trên địa bàn huyện Pác Nặm đã thành lập được 10 nhóm sở thích trồng cỏ với 130 thành viên tham gia trên địa bàn 5 xã: Bằng Thành, Công Bằng, Nghiên Loan, Cao Tân, Cổ Linh với diện tích 7,75 ha. Tham gia nhóm sở thích các hộ được hỗ trợ 100% phân bón, giống, được tập huấn kỹ thuật, trong quá trình thực hiện thường xuyên được sự quan tâm của đơn vị triển khai, sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, sự sâu sát của cán bộ cơ sở do vậy cây cỏ phát triển tốt. Tại hôi thảo các ý kiến đưa ra đánh giá rất cao loại cỏ đa tác dụng này, so về năng suất không cao bằng cỏ voi nhưng về chất lượng loại cỏ này hơn hẳn so với cỏ voi. Có thể khẳng định rằng việc triển khai hoạt động khuyến khích trồng cỏ phát triển chăn nuôi, bảo vệ đất dốc là hoạt động mang tính chiến lược của dự án nó không những góp phần giải quyết nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho đàn gia súc mà còn là phát kiến bảo vệ môi trường. Đây là hoạt động mới nên nhận thức của một bộ phận người dân không thể sớm thay đổi do vậy cần có thời gian để các hộ dân có điều kiện làm thực tế, áp dụng và phát triển trên diện rộng.

Ma Thế Sơn