Tiết kiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, hạn chế đổ ngã tránh thất thoát; tối ưu hóa hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp bằng cách tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường là những ưu điểm vượt trội của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng phương pháp sạ cụm, kết hợp bón vùi phân, liên kết tiêu thụ sản phẩm mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai cho các hộ dân HTX Phú Áng, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong trong Vụ Đông Xuân 2024 -2025 trên diện tích 6 ha, sử dụng giống lúa HC95.

 

Ông Phạm Trọng Tịnh thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong cho biết gia đình ông tham gia mô hình 0,6 ha. Việc áp dụng máy sạ cụm, kết hợp bón vùi phân sẽ tiết kiệm được lượng giống 40 kg/ha. Việc ứng dụng máy sạ cụm vừa đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, tiết kiệm được lúa giống, giảm vật tư, thuốc BVTV, chi phí nhân công.

 

“Sạ cụm có mật độ thưa, cây đẻ nhánh khỏe tập trung, cứng cây hạn chế lúa đổ, ngã, khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín, ít sâu bệnh. Đặc biệt trên diện tích lúa gia đình tôi tham gia sạ cụm, lúa không có rầy so với sạ lan, nên hạn chế thuốc sử dụng thuốc BVTV, đất đai được cải tạo hệ sinh thái đồng ruộng được cân bằng” - ông Tịnh vui vẻ nói.

 

Năng suất lúa tươi mô hình dự kiến đạt 63,47 tạ/ha, cao hơn so với sạ lan làm giống và lúa thương phẩm từ 201 - 847 kg. Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh liên kết thu mua 100% sản lượng lúa của mô hình để làm giống với giá 9.500 đồng/kg, cao hơn lúa thương phẩm 1.000 đồng. Lợi nhuận nông dân thu được 29.200.000 đồng/ha, cao hơn so với lúa sạ lan để làm giống là 2,5 triệu đồng/ha và cao hơn lúa thương phẩm là 11,2 triệu đồng/ha.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn

 

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, ông Trần Cẩn cho biết: Qua theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện mô hình cho thấy mô hình có nhiều tiềm năng để nhân rộng và áp dụng trong sản xuất đại trà tại các vùng trồng lúa. Phương pháp sạ cụm kết hợp vùi phân không chỉ giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí phân bón và công lao động mà còn tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng khỏe, phát triển đồng đều, ít sâu bệnh, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa. Đồng thời, việc vùi phân ngay trong quá trình sạ giúp hạn chế thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường hiện nay. Máy sạ cụm có thể đạt công suất từ 4-6 ha/ngày trong điều kiện thuận lợi, góp phần đẩy nhanh tiến độ gieo sạ và thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết ngày càng biến động, đặc biệt là giải quyết được vấn đề khẩn trương thời vụ trong vụ Hè Thu, sau khi vụ Đông Xuân kết thúc, khoảng cách gối vụ cận kề, gấp rút.

 

Mô hình triển khai có tác dụng trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường:

 

Về mặt kinh tế: Mặc dù đây là vụ đầu tiên áp dụng công nghệ máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân vào sản xuất nhưng cho năng suất cao hơn so với sạ lan và đặc biệt là cho lợi nhuận cao hơn so với lúa sạ lan để làm giống là 2,1 triệu đồng/ha và cao hơn lúa thương phẩm là 10,7 triệu đồng/ha; Giảm lượng giống gieo (30-40 kg/ha) và bón phân bằng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân nên đảm bảo được mật độ, cây lúa mọc đều, đẻ nhánh khỏe, bông lúa trổ đều, tỷ lệ lép thấp, cân đối, giảm lượng phân bón, giảm thất thoát phân bón. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, giảm được công lao động gieo sạ, bón phân 2 công/sào; Cây lúa khỏe mạnh, bộ rễ ăn sâu, cứng cáp, ít đỗ ngã; phân được vùi kề sát khóm lúa, giúp khóm lúa tiếp cận với phân và lấy phân dễ dàng, hạn chế việc mất phân, từ đó giúp nâng cao được hiệu suất sử dụng phân bón; mật độ đảm bảo nên cây lúa khoẻ mạnh, cây trổ thoát bông, tập trung, cây lúa sạch sâu bệnh, xanh bền, bộ lá công năng phát triển tốt.

 

Về mặt môi trường: Việc kết hợp bón vùi phân vào đất cùng lúc với gieo sạ giúp tránh phân bị hao hụt do thời tiết nắng nóng làm bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu nước tràn mặt ruộng, ruộng lúa sạch sâu bệnh hoặc ít nhiễm sâu bệnh nên không sử dụng thuốc BVTV và qua đó làm cho môi trường sinh thái được cải thiện hơn, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Về mặt xã hội: Việc sử dụng máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân vào sản xuất lúa, thay đổi phương thức gieo sạ lan, sạ hàng truyền thống đã góp phần giảm công lao động mà cụ thể là công gieo sạ, bón phân của bà con nông dân từ 1,5 - 2 công/sào, thuận lợi cho việc sử dụng cơ giới hoá các khâu khác như: gieo sạ, bón phân, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

 

Bà Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết: Thông qua mô hình giúp hộ dân tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao, nâng cao năng lực, trình độ thâm canh cho nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích. Mô hình cần được khuyến khích mở rộng và nhân rộng trong các vụ tới. Về định hướng nghành nông nghiệp thì hiện nay chúng tôi cũng khuyến khích các HTX và các địa phương thực hiện dồn điển đổi thửa, tạo độ bằng phẳng đồng ruộng để áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp như sử dụng máy sạ cụm bón vùi phân, máy cấy trong sản xuất lúa hữu cơ, cũng như các công cụ sạ hàng để giúp tiết kiệm các chi phí trong sản xuất đặc biệt chi phí nhân công lao động, cũng như đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

 

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị