Bạc Liêu: HIệu quả mô hình trồng thanh long ruột đỏ
Cập nhật lúc 10:06, Thứ hai, 31/08/2015 (GMT+7)
“Mô hình thanh long ruột đỏ (tím hồng) là mô hình hiệu quả mới ở ấp 1 - xã Long Điền Đông A - huyện Đông Hải, đến nay đã có 5 hộ trồng thanh long ruột đỏ. Trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Hiền trồng 450 trụ, cho lợi nhuận 60 triệu đồng/năm”. Ông Trần Hùng Cường - Trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hiền bên vườn thanh long đang cho trái
Ông Nguyễn Văn Hiền (ấp 1 - xã Long Điền Đông A - huyện Đông Hải chia sẽ: Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhẹ công hơn so với các loại cây ăn trái khác và là cây có nguồn gốc từ các nước thuộc khu vực nhiệt đới nên chịu nắng, không có nhu cầu cao về nước, có thể trồng ở những vùng hạn chế nguồn nước. Vì vậy, năm 2010, ông mạnh dạn cải tạo đất vườn nhà, đổ trụ trồng 300 gốc thanh long (cây giống H14) với tổng chi phí đầu tư cho mô hình 90 triệu đồng (vừa cây giống, đổ trụ, phân bón). Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, ông phải tự mày mò, tìm hiểu trên sách báo, đài, đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm mô hình thanh long hiệu quả ở khắp nơi. Năm 2013, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hải, ông tiếp tục trồng thêm 150 trụ (do Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải đầu tư 100% cây giống và 30% phân bón).
Kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ từ kinh nghiệm của ông như sau: Thanh long ruột đỏ trồng leo bám bằng cột trụ bê tông, khoảng cách đặt trụ: hàng cách hàng 2,2 m và trụ cách trụ 2,2 m. Trụ được làm bằng bê tông cốt thép, phần nhô cao trên mặt đất 1,2 m. Trồng 4 hom giống tại 4 cạnh của trụ bê tông, dùng dây buộc cố định hom giống với trụ bê tông để cây bám chắc chắn vào thân trụ. Do là cây trồng chịu khô hạn nên nhẹ công tưới nước; lúc nắng nóng, khô hạn thì 3 ngày tưới cho cây một lần. Trong 1 năm cần bón cho cây 3 lần gồm phân chuồng và phân tổng hợp NPK theo tỉ lệ (1N:1P205:2K2O), đào hố bón cách gốc 30 cm. Trong điều kiện chăm sóc tốt, đến năm thứ 2 sau trồng cây đã cho ra bói quả, từ năm thứ 3 đã cho năng suất 15-20 kg/trụ, năm thứ 4 sau trồng cho năng suất từ 40-60 kg/trụ, ở điều kiện chăm sóc tối ưu, cây có thể đạt năng suất 75 - 80 kg/trụ. Cây thanh long ruột đỏ hầu như không có đối tượng sâu hại, chỉ xuất hiện hiện tượng thối bẹ ở những tháng mưa nhiều và ruồi đục quả (tháng 6-7). Để phòng ngừa côn trùng phá hại quả, ông sử dụng hoàn toàn bằng thuốc sinh học và thuốc dẫn dụ ruồi và thường xuyên cắt tỉa những bẹ lá bị hư.
Trong năm 2014 với giá bán dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí bao gồm công làm cỏ, phân bón, tiền điện tưới nước tổng cộng 10 triệu đồng, ông còn lãi 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc nhân bán cây giống đã cho thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm.
Hoàng Trang
Trung tâm KNKN Bạc Liêu