Hà Tĩnh là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng to lớn để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều năm qua, nghề nuôi ong lấy mật tại đây không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, trước biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, sự suy giảm diện tích rừng do hoạt động khai thác rừng và đô thị hóa đã ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của ong, khiến nghề nuôi ong trở nên bấp bênh hơn. Bên cạnh đó người nuôi chưa thành thạo các quy trình kỹ thuật, quy mô chăn nuôi còn tự phát, manh mún nhỏ lẽ đã trở thành những khó khăn, thách thức cho nghề nuôi ong tại Hà Tĩnh.
Nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật và khai thác hết tiềm năng, lợi thế ở các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện thành công Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP” tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Từ kết quả này, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình tại xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) với mong muốn nhân rộng kỹ thuật chăn nuôi ong theo hướng bền vững và hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tham gia dự án có 10 hộ dân tại xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang). Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 500 đàn ong giống Apis cerana cùng các vật tư phục vụ nuôi và khai thác mật, đồng thời được tham gia tập huấn về các kỹ thuật chăn nuôi tốt (VietGAHP) trong nuôi ong lấy mật như chăm sóc, quy trình phòng bệnh và chống thiên địch gây hại; cách khai thác, bảo quản mật ong và tạo chúa, nhân đàn…
Ông Nguyễn Quang Đài ở thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh tham gia dự án cho biết: “Tôi đã làm nghề nuôi ong lấy mật hơn 5 năm nay nhưng chỉ nuôi theo cách truyền thống, nguồn giống chủ yếu từ tự nhiên, chưa nắm rõ kỹ thuật nên sản lượng mật thu được thấp, chất lượng không đảm bảo. Được dự án hỗ trợ ong giống và các vật tư thiết yếu như đường, phấn hoa, thùng quay mật, chân tầng, bộ dụng cụ nhân đàn…, từ 10 đàn ban đầu đến nay gia đình tôi đã phát triển lên đến 50 đàn ong. Được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đầy đủ, đàn ong của gia đình tôi khỏe mạnh, đông quân, cho lượng mật cao và ổn định”.
Không chỉ ông Đài mà những hộ dân tham gia dự án cũng đều có chung niềm phấn khởi khi năng suất mật năm nay tăng lên rõ rệt. “Nhờ tham gia mô hình, chúng tôi được hỗ trợ nguồn ong giống chất lượng, được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp tại vườn nên đã nắm bắt được cách quản lý đàn ong tốt hơn, giảm được rủi ro trong dịch bệnh, đàn ong phát triển rất tốt, có tính ổn định cao. Đặc biệt, những thời gian nắng nóng khắc nghiệt, không còn tình trạng ong bốc bay mà còn cho mật đều, chất lượng mật ong đảm bảo, sản lượng mật cao hơn so với trước kia”. Ông Nguyễn Huy Tuấn ở thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh – một hộ tham gia dự án phấn khởi nói.
|
|
Ong tại mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất đạt trên 18,2kg/đàn/năm, tăng ≥ 10% so với nuôi đại trà. |
Nghề nuôi ong không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường lớn bởi ong là loài thụ phấn tự nhiên, giúp tăng năng suất các loại cây trồng như cây ăn quả, hoa màu và cây rừng. Và ngược lại, vườn cây sẽ cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong. Vì thế quá trình triển khai, các hộ dân đều chấp hành nghiêm ngặt quy trình chăm sóc cũng như không sử dụng thuốc BVTV trên vườn cây.
Kỹ sư Phạm Trường Sơn, cán bộ kỹ thuật Phòng Chuyển giao Khoa học kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Quá trình thực hiện, các hộ dân đã chấp hành nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn ong, công tác phòng chống dịch bệnh đến khai thác và bảo quản mật ong, cùng với đó, người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ hệ sinh thái để vừa giúp đàn ong phát triển tốt vừa tăng năng suất cây trồng. Kết quả, sau khi tham gia dự án, đàn ong của các hộ tham gia mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất mật bình quân đạt trên 18,2 kg/đàn/năm, tăng ≥ 10% so với nuôi đại trà. Sau một năm triển khai, tổng sản lượng mật thu hoạch tại mô hình đạt hơn 9.100 kg (tương đương trên 11.000 lít).
Song song với việc thực hiện dự án, các hộ tham gia còn được hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh. Quá trình hoạt động, các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong và luôn tuân thủ nội quy, quy trình sản xuất do Hợp tác xã đề ra. Đồng thời các hộ tham gia được hỗ trợ tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm mật ong được hỗ trợ đóng chai, có nhãn mác để nhận diện thương hiệu. Do vậy, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán được nâng cao và ổn định (220.000 - 250.000 đ/lít). Thu nhập của các hộ dân đạt từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
|
|
ản phẩm mật ong của HTX Nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao |
Để nâng tầm sản phẩm mật ong, đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương còn hướng dẫn HTX hoàn thiện các hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP từ việc kiểm soát chất lượng mật ong đến thiết kế bao bì, quảng bá thương hiệu. Hiện nay, sản phẩm mật ong mang thương hiệu Đại Phúc của Hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) UBND huyện Vũ Quang công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Đánh giá kết quả đạt được của dự án, ông Nguyễn Trường Giang – Trưởng phòng Chuyển giao KHKT (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) cho biết: Hà Tĩnh có tiềm năng lớn về phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nhất là những vùng đồi núi như huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê,…Việc triển khai thực hiện thành công mô hình “Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP” đã giúp người dân tiếp cận được các khoa học kỹ thuật mới, thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Đặc biệt việc xây dựng Hợp tác xã và đưa sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 3 sao đã tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ cho nghề nuôi ong lấy mật tại địa phương. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm mật ong của địa phương khẳng định được thương hiệu và có cơ hội tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn. Từ mô hình này, thông qua các cuộc tập huấn, tham quan hội thảo sẽ tạo điều kiện người dân học tập nhân rộng tại nhiều địa phương khác, không chỉ góp phần phát triển mô hình kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên và phát triển cộng đồng.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh