Mô hình nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học tại Hòa Vang, Đà Nẵng
Đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống như rô phi, trắm cỏ, mè, chép… với các hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh ở một số vùng nuôi tập trung. Một số đối tượng cá nuôi đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa như cá điêu hồng, cá trê lai.
Tuy nhiên, nông dân chỉ mới quan tâm về số lượng chứ chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Phương thức sản xuất còn mang tính truyền thống, một số nông dân vẫn còn tận dụng các sản phẩm phân chuồng từ chăn nuôi gia súc, phân gà công nghiệp, lạm dụng một số hóa chất cấm sử dụng, một số loại kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Với phương thức chăn nuôi này vừa không kiểm soát được dịch bệnh, vừa không đem lại hiệu quả kinh tế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nuôi, dịch bệnh cao, sản phẩm thiếu an toàn.
Để giúp người nông dân tiếp cận từng bước nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng để hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục hiện trạng ô nhiễm nguồn nước, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường nuôi bền vững và đặc biệt trong điều kiện khí hậu biến đổi gây khô hạn trong mùa nắng làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông nước trong ao nuôi, năm 2016, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng đã xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” với các đối tượng nuôi ghép như cá điêu hồng, cá basa, cá chép, cá mè.
Mô hình thực hiện trên 4 hộ nông dân ở địa bàn 02 xã Hòa Phong và Hòa Khương (huyện Hòa Vang) với diện tích 6.000 m2. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, hỗ trợ kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn nhằm giúp nông dân sản xuất thành phẩm có độ an toàn cao, đảm bảo đến người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện chế phẩm sinh học, Trung tâm thực hiện quy trình cấy men vi sinh E2, E5 theo quy trình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Mô hình đã thực hiện việc nuôi ghép các đối tượng ở mật độ 3 con/m2, sử dụng thức ăn công nghiệp là chủ yếu, ngoài ra tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như rau, chuối, cám gạo có trong vườn nhà. Cán bộ kỹ thuật hướng người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi từ khâu cải tạo ao, xử lí môi trường định kì 10-15 ngày một lần, mặt khác sử dụng men vi sinh và tỏi tươi bóc vỏ xay nhuyễn trộn vào thức ăn để phòng bệnh cho cá. Kết quả qua các lần kiểm tra về mẫu nước, mẫu thức ăn và mẫu cá thương phẩm đều thể hiện các chỉ số an toàn và sạch bệnh.
Qua hơn 4 tháng thực hiện (thả giống ngày 09/8/2016), cá điêu hồng đạt 450-500 g/con, cá Basa đạt 800-1.200 g/con. Các chủ hộ mô hình đã thu hoạch được sản lượng từ 1.500 - 1.800 kg/hộ, tỷ lệ sống đạt 70-80%. Hệ số thức ăn sử dụng từ 1,2-1,3, lợi nhuận dao động từ 13 - 20 triệu đồng trong 4 tháng trên diện tích 1.500 m2. Năng suất đạt từ 10-11 tấn/ha.
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học và tỏi trong nuôi cá nước ngọt làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học đã từng bước khuyến cáo người nông dân không nên sử dụng phân chuồng tươi, phân gà công nghiệp hoặc lạm dụng một số hóa chất và kháng sinh cấm trong nuôi cá nước ngọt. Hướng dẫn bà con tiếp cận với các công thức cấy men vi sinh yếm khí, tiết kiệm trong chi phí nuôi làm tăng hiệu quả kinh tế.
Mô hình góp phần thay đổi phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hướng tới sản phẩm sạch, tạo nguồn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Tuy vậy, khi sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản cần lưu ý một số nguyên tắc như sau:
Người nuôi thủy sản cần xác định mục đích sử dụng chế phẩm sinh học: như để cải tạo ao, ổn định môi trường, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, phòng bệnh và trộn vào thức ăn để khôi phục lại hệ vi sinh đường ruột...
Xác định đúng chủng loại chế phẩm sinh học, còn hạn sử dụng và được bảo quản đúng theo quy định của nhà sản xuất.
Để sử dụng chế phẩm sinh học có hiệu quả, người nuôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi bán thâm canh và thâm canh thủy sản.
Định kì sử dụng trong chu kỳ nuôi, đảm bảo đủ hàm lượng oxy hoà tan (không dưới 5mg/l) trong ao nuôi.
Trong quá trình sử dụng chế phẩm sinh học, tuyệt đối không dùng chung với thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc diệt cỏ.
Trong trường hợp đã sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh thì sau khi ngưng sử dụng kháng sinh, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học có công dụng hỗ trợ tiêu hóa hoặc các loại men vi sinh trộn vào thức ăn cho vật nuôi để khôi phục lại hệ men đường ruột cho vật nuôi.
Sử dụng chế phẩm sinh học phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất bởi vì một số chế phẩm sinh học cần có thời gian “kích hoạt” trước khi được đưa vào ao nuôi. Chẳng hạn, sản phẩm phải được ngâm trong nước sạch, ở nhiệt độ nước thích hợp và trong một khoảng thời gian cụ thể trước khi sử dụng. Sử dụng đúng liều lượng trên đơn vị diện tích (hoặc thể tích) ao nuôi theo định kỳ để duy trì mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Không dùng liều lượng cao hơn hướng dẫn vừa không hiệu quả lại gây tốn kém.
Nếu đã sử dụng các hóa chất như thuốc tím, BKC, Iodine… cho ao nuôi thì khoảng 2-3 ngày sau nên sử dụng chế phẩm sinh học để khôi phục lại các nhóm vi sinh vật có lợi trong nước để cải thiện chất lượng nước và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Việc ghi chép đầy đủ các thông tin về sử dụng thuốc, sử dụng tỷ lệ thức ăn theo độ sinh trưởng của cá nhằm điều chỉnh quy trình nuôi hợp lí, giúp cơ sở nuôi có được kinh nghiệm.
Kim Cương
Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP Đà Nẵng