Thực hiện Nghị định số 13/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ, hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc và phát triển mạnh mẽ ở tất cả các cấp.
Ngày đó, ở Cục Khuyến nông thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ sau 1 năm thành lập hệ thống khuyến nông, tháng 11 năm 1994, ấn phẩm “Thông tin Khuyến nông Việt Nam” chính thức ra mắt số đầu tiên. Sự ra đời của Bản tin đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất nông nghiệp cả nước. Đây cũng là diễn đàn chung của hệ thống khuyến nông Việt Nam, góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông. Khi ấy Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thuý đã tin tưởng và kỳ vọng “Thông tin Khuyến nông Việt Nam thực sự là người bạn của nông dân”.
Ở Trung tâm Khuyến ngư Trung ương thuộc Bộ Thủy sản, sau một thời gian hoạt động, năm 2001 bộ máy của Trung tâm được kiện toàn. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Giám đốc Trung tâm Trần Văn Quỳnh đã có chủ trương tập trung cho hoạt động thông tin khuyến ngư và xác định phải nhanh chóng xuất bản và phát hành Bản tin của Trung tâm nhằm phục vụ công tác chỉ đạo của cơ quan ở trung ương, cung cấp cho hệ thống khuyến ngư cả nước các thông tin về công nghệ và kỹ thuật mới, về thị trường, tiến tới hình thành mạng lưới thông tin khuyến ngư để các đơn vị và đội ngũ những người làm công tác khuyến ngư có thể truy cập thông tin thường xuyên. Và thế là “Thông tin Khuyến ngư Việt Nam” - số đầu tiên đã ra đời chỉ vài tháng sau khi Trung tâm ổn định bộ máy tổ chức. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc khi đó đã gửi gắm niềm hy vọng đối với Bản tin “Ngay từ số đầu đã thực sự thiết thực, trở thành người bạn tin cậy của lao động nghề cá nước ta”.
|
|
Trải qua các dấu mốc thời gian, Bản tin khoác lên mình nhiều diện mạo |
Tính đến nay, kể từ ngày ra số đầu tiên, qua các thời kỳ với những tên gọi khác nhau, “Bản tin Khuyến nông Việt Nam” đã trưởng thành, bước sang tuổi ba mươi!
Ba mươi năm - một chặng đường lịch sử vẻ vang cùng hệ thống khuyến nông Việt Nam. Từ số đầu tiên năm 1994, định kỳ 1 quý/số với 32 trang, rồi 64 trang, đến giai đoạn 2004 – 2010, Thông tin Khuyến nông Việt Nam xuất bản với tần suất tăng liên tiếp lên từ 1 số, 2 số, 3 số rồi đến 4 số/tháng với số lượng in liên tục tăng 5.000 - 7.000 - 10.000 bản/số. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ số Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xuất bản ổn định 1 số/tháng, in 5.000 bản/số, đăng tải bản điện tử trên trang web khuyến nông Việt Nam (khuyennongvn.gov.vn) để bạn đọc dễ dàng tìm đọc, cập nhật thông tin kịp thời. Đến nay, Bản tin Khuyến nông Việt Nam đã xuất bản 250 số Bản tin với hơn 1 triệu bản in, gần 20 nghìn tin, bài. Hiện nay, trung tâm khuyến nông các tỉnh đều xuất bản định kỳ Bản tin Khuyến nông của tỉnh với tần suất 1 quý/số.
Bản tin Khuyến nông Việt Nam đã không ngừng phát triển, đổi mới cả về nội dung và hình thức, được ví như là cẩm nang giúp cán bộ khuyến nông và nông dân nắm bắt thông tin chủ trương, chính sách, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giới thiệu mô hình điển hình, thông tin hoạt động khuyến nông các địa phương, thông tin hoạt động khuyến nông ở các nước, thông tin giá cả thị trường nông nghiệp. Sau này, theo yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành, Bản tin điều chỉnh và mở thêm một số chuyên mục như Sự kiện khuyến nông, Xây dựng nông thôn mới, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Nhưng có thể nhận thấy một cách khái quát rằng nội dung tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chiếm số lượng bài nhiều nhất.
Để tổ chức triển khai việc xuất bản Bản tin, các đồng chí lãnh đạo Trung tâm đều tham gia Ban Biên tập. Ngoài ra, Trung tâm còn tuyển chọn các cử nhân báo chí, biên tập để trực tiếp “xâu đầu mối” công việc; cùng các kỹ sư chuyên ngành thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi … tất cả đều có chuyên môn và khả năng nắm bắt nhanh (là những phẩm chất rất cần có ở người làm công tác thông tin). Thậm chí có cả một chuyên gia là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thủy sản (Bộ Thủy sản), đã có “thâm niên” 30 năm công tác trong ngành, trong đó hơn 15 năm theo “nghiệp” báo chí làm “cố vấn” cho Giám đốc trong việc tổ chức biên tập, xuất bản và phát hành Bản tin, vận hành guồng máy sao cho đi đúng với hướng chỉ đạo của Bộ và lãnh đạo Trung tâm. Tất cả đội ngũ đã “chụm lại” với nhau trong mọi việc, từ thủ tục hồ sơ xin giấy phép xuất bản, xây dựng đề cương nội dung, thảo luận về các chuyên mục, mời người tham gia viết bài trong từng mảng chuyên môn, tổ chức mạng lưới cộng tác viên và phát hành… đến khâu thiết kế măng-set, lên ma-ket, theo dõi việc chế bản, in ấn và đưa Bản tin đến đúng những địa chỉ cần thiết. Nhờ sự cố gắng của từng cá nhân và sự phối hợp tốt trong nhóm “nòng cốt” này mà công việc diễn ra khá trôi chảy, đúng kế hoạch đã đề ra.
Ngay từ số đầu tiên, Bản tin Khuyến nông Việt Nam đã xác định rõ đường hướng xuất bản của ấn phẩm là “nội dung đa dạng, ngôn ngữ dễ hiểu, trình bày trang nhã” nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin trong lĩnh vực sản xuất và để dễ dàng đến được với đông đảo người đọc và nông, ngư dân cả nước.
Phải thừa nhận rằng, sẽ không dễ dàng gì khi phải đảm bảo xuất bản thường xuyên Bản tin với thời hạn phát hành được ấn định nếu không tổ chức được đội ngũ rộng rãi cộng tác viên. Ban Biên tập Bản tin đã làm tốt việc này. Ngoài những “cây viết” trong Trung tâm và những thông tin từ các đơn vị của Bộ cung cấp, Bản tin còn có mạng lưới cộng tác viên là “bồ ruột” trong việc gửi tin, bài, ảnh từ nhiều miền đất nước. Bên cạnh đó, còn có các thông tin do chính những người sản xuất gửi về Bản tin, đem đến hơi thở nóng hổi của đời sống sản xuất. Tất cả họ đã thường xuyên chuyển đến Ban Biên tập một khối lượng “vật liệu” phong phú để xây nên những “ngôi nhà” ngày càng bề thế hơn, chắc chắn hơn, trụ được trên “biển cả thông tin” mênh mông.
Trong số các ấn phẩm thông tin của Bộ ngày đó, Thông tin Khuyến nông/Khuyến ngư Việt Nam luôn được đánh giá cao vì tính thiết thực, gần gũi của ấn phẩm đối với đời sống của bà con nông dân, được coi là người bạn đồng hành không chỉ của cán bộ khuyến nông ở các địa phương mà còn của đông đảo nông dân trên khắp các vùng địa lý và sinh thái trong cả nước, đưa đến cho họ những thông tin bổ ích, thiết thực, “giúp họ tự giúp họ” như phương châm hoạt động của khuyến nông, để họ có thể thu được kết quả tốt nhất trong lao động sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
|
|
Dù ở thời điểm nào, Bản tin vẫn luôn là người bạn tin cậy của bà con nông dân |
Hiện nay, ngoài việc xuất bản định kỳ Thông tin Khuyến nông Việt Nam, Phòng Thông tin tuyên truyền - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn đảm nhận nhiều công việc khác như xây dựng ấn phẩm khuyến nông, trang web khuyến nông Việt Nam, phối hợp với các cơ quan tổ chức sự kiện khuyến nông ngày càng hiệu quả và lan toả sâu rộng.
Chúng tôi có niềm tin rằng, hoạt động truyền thông khuyến nông sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa với đội ngũ cán bộ có năng lực và “có lửa” trong hành động, cùng với sự dẫn dắt của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - những người đầy tâm huyết với sự nghiệp khuyến nông của nước nhà, tiếp tục là người đồng hành cùng nông dân cả nước trên con đường phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia