Tại Bình Thuận, Dự án triển khai tại 4 hợp tác xã với 4.500 người hưởng lợi, trong đó số người hưởng lợi trực tiếp trên 1.000 người, ưu tiên các hợp tác xã là nữ lãnh đạo và thanh niên quản trị thuộc 3 huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; nội dụng hoạt động chính bao gồm: thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu; quảng bá phát triển thương hiệu cho sản phẩm thanh long; hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long; kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp.

Nhằm đánh giá hiệu quả của dự án, vừa qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo “Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính tại Bình Thuận”.

Tham dự Hội thảo, về phía các đại diện Trung ương có: Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT; TS. Nguyễn Văn Bắc - Phó Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; TS. Trần Đại Nghĩa - Trưởng Bộ môn nghiên cứu Kinh tế tài nguyên và Môi trường – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn; TS. Phan Công Kiên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố; Bà Trần Thị Thuỷ Tiên – Chuyên gia hỗ trợ hiện trường Dự án UNDP tại Bình Thuận; Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Đại biểu cấp tỉnh có: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Nông dân, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Thanh long, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm, thuỷ sản và các đại biểu đến từ UBND các xã, các Tổ Khuyến nông cộng đồng và các hợp tác xã thanh long trên địa bàn tỉnh.

Thông qua dự án, đến nay, đã có 100% hộ thành viên hợp tác xã sử dụng đèn Led 9W, tiết kiệm được từ 55-78% điện năng tiêu thụ. Việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp giảm khoảng 41,67% lượng nước; ứng dụng nhật ký điện tử “Chuỗi thanh long xanh”; sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP giúp các hợp tác xã có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu hàng đi thị trường cao cấp. Mặt khác, qua đào tạo tập huấn đã thay đổi tập quán canh tác, nhận thức về sản xuất thanh long được nâng cao; các hợp tác xã lập được kế hoạch kinh doanh xanh, từ đó chủ động sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, đầu ra sản phẩm được tích hợp đa giá trị…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu ra những thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng thanh long hiện nay là chất lượng không ổn định, chủ yếu sản phẩm tươi, công nghệ chế biến đơn giản và quy mô nhỏ... dẫn đến chưa tiếp cận được với thị trường có giá trị gia tăng cao. Do đó, giải pháp đặt ra là cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ sản xuất theo quy trình GAP. Đồng thời đầu tư hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ cho thanh long...

leftcenterrightdel
Các đại biểu thăm quan mô hình canh tác thanh long ứng dụng công nghệ cao 

Theo Tiến sĩ Phan Công Kiên – Viện phó Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cây thanh long đang bị cạnh tranh gay gắt nên hiệu quả sản xuất giảm đáng kể, nhiều diện tích thanh long đã chuyển sang các cây trồng khác nhưng chưa ổn định và bền vững. Vì thế, để cây thanh long phát triển bền vững thì cần rà soát và xác định vùng trồng tối ưu; dần khuyến khích nông dân chuyển đổi sang giống chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, ứng dụng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong canh tác như khai thác lệch vụ với thị trường Trung Quốc, chú ý đến công nghệ chế biến và chế biến sâu từ quả thanh long…

Hội thảo cũng đã được tiếp cận nhiều thông tin bổ ích về các giải pháp, công nghệ và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải khi nhà kính góp phần triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả qua các bài tham luận của TS. Trần Đại Nghĩa, TS. Nguyễn Văn Bắc, TS. Phan Công Kiên và các chia sẻ của các địa biểu đến từ các hợp tác xã sản xuất trên địa bàn tỉnh; qua hội thảo tiếp tục nhân rộng các hoạt động của dự án đã triển khai trên địa bàn tỉnh; phát triển số hóa chuỗi cung ứng thanh long nói riêng và chuỗi cung ứng nông nghiệp nói chung. Cuối hội thảo các đại biểu đã đến tham quan một số vườn ứng dụng nông nghiệp số và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ thúc đẩy sản xuất thanh long giảm phát thải, mô hình trồng cây phát tán lâm nghiệp trên cây thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc.

Qua 02 năm thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành mục tiêu đề ra; đạt được hiệu suất xã hội ở mức khá tốt đối với một dự án phát triển. Các hoạt động hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng xanh hoá cho các HTX/DN đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ dân trí, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho các hộ nông dân.

Hồ Công Bình

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận