Truyền thống rất vẻ vang, thành tựu đáng tự hào

 

Ngày 08/05/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 62 thành lập Nha Nông Chính trực thuộc Bộ Canh Nông, là tiền thân của Cục Trồng Trọt (nay là Cục Trồng Trọt và Bảo vệ Thực vật). Trải qua 79 năm, ngành Trồng Trọt đã có những đóng góp xuất sắc vào Kỷ nguyên Giải phóng (1946 – 1975), Kỷ nguyên Đổi mới (1976 – 2025); đã tạo ra thực lực, vị thế và trí tuệ ngành Nông nghiệp, góp phần đưa kinh tế nước ta từ “Top” dưới cùng lên quy mô đứng thứ 12 châu Á, thứ 34 so với thế giới.

 

Đó là những thành tựu: đạt sản lượng lương thực trên 40 triệu tấn, xuất khẩu nông sản ở “top” đầu thế giới, đạt trên 63 tỷ USD năm 2024 (riêng ngành Trồng Trọt đạt trên 30 tỷ USD), xuất khẩu gạo lũy kế từ 1989 đến nay đạt trên 65 tỷ USD, thực hiện thành công mục tiêu an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới… Từ năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) đã phát động và triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu, chương trình giống, chương trình xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở (2002), chương trình nông nghiệp công nghệ cao (2003), chương trình xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha/năm … Đến nay, qua hơn 20 năm chúng ta đã xây dựng được những mô hình phát triển công nghệ khá toàn diện và hiệu quả, ví dụ như: mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm khí phát thải ở Đồng bằng song Cửu Long nhờ ứng dụng công nghệ “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, thiết bị bay không người lái … đã giúp giảm 20% nước, 30% phân, 50% thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất lúa từ 10 đến 20%, tăng thu nhập từ 15 đến 20%... Hay như mô hình 5.000 ha công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng nhờ áp dụng công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm … đã tăng năng suất thêm 30 – 40%, tăng giá trị nông sản lên 2-3 lần so với công nghệ truyền thống. Khắp cả nước, chúng ta đã xây dựng được hàng triệu mô hình nông trại, hộ nông dân (trong số 4 triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi), hàng ngàn hộ thanh niên tiên tiến trong mạng lưới Lương Định Của, hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao được vinh danh thành công về rau, hoa, quả, tôm, cá, gạo, thịt, trứng, sữa, dược phẩm, sinh phẩm…  phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Như vậy, giống, công nghệ cao đã tạo ra cho NN nội lực mới và được khẳng định vị thế trong hành trình phát triển.

 

Để tiếp tục phát triển bền vững

 

Trong Kỷ nguyên “vươn mình” (2026 – 2045) chúng tôi đề nghị một số việc cấp thiết.

 

Một là, điều chỉnh lại quy hoạch trồng trọt và nông nghiệp. Sau khi bản đồ hành chính (cũ, mới) được vẽ lại (2/3 địa phương có biển) cần điều chỉnh lại quy hoạch định hình lại vị thế, toàn diện hơn cho phù hợp với thị trường, dân số, dòng vốn đầu tư, phù hợp với không gian phát triển mới (7 vùng, “tam sơn tứ hải nhất phần điền”, đô thị và siêu đô thị, đặc khu, nông thôn, …) với tầm nhìn mới (trung, ngắn, dài hạn), cấu trúc mới, mục tiêu mới, mô hình phát triển mới, lợi thế so sánh mới, miền giá trị mới trong vận hội mới, tạo ra di sản mới (nông nghiệp, văn hoá, thiên nhiên, cộng đồng …). Quy hoạch điều chỉnh cần xây dựng tích hợp chính sách mới, công cụ thực thi, cơ chế vận hành để tổ chức sản xuất hiện đại, hướng tới phân khúc giá trị cao, nâng cao hiệu quả quản lí và dịch vụ công theo mô hình 3 cấp; định hướng phòng ngừa, thích ứng, dự báo tình huống cần thiết trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, khắc phục sự lệch pha giữa quy hoạch và thị trường của bản đồ cũ.

 

Hai là, cân đối lại nhập khẩu nông sản

 

Một trong những lệch pha nữa cần điều chỉnh là cân đối thương mại toàn cầu, cân đối xuất và nhập khẩu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, “có đi có lại”; cân đối cơ cấu thị trường: 17 FTAs, Halal, trong nước, 7 vùng… đặc biệt nên chú ý 4 vùng đầu tàu có ý nghĩa khu vực và quốc tế: Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, … cần cân đối lại các sản phẩm chủ lực, bổ sung, triển vọng, nguyên liệu, công nghệ chế biến sâu…

 

Ba là, chuyển công nghệ cao phát triển thành nông nghiệp thông minh.

 

Nông nghiệp thông minh là bước tiến hoá cao hơn, là giải pháp cân bằng hiệu quả nông nghiệp và môi trường.

 

Đầu tiên là đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực số, đặc biệt là thế hệ nông dân số, xây dựng hệ thống dịch vụ mới nhiều thành phần; xây dựng giáo trình, kịch bản chuyển phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất công nghiệp, coi sản phẩm nông nghiệp như công nghiệp… Đó là xây dựng quy trình sản xuất số tối ưu nhờ ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối…; phân tích dữ liệu đất, nước, giống, phân, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thuốc, dịch bệnh…; minh bạch trong truy xuất nguồn gốc sản xuất, ứng dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây để xây dựng chuỗi cung ứng giá trị sản phẩm theo thời gian. Đó là xây dựng hệ sinh thái liên kết giá trị từ “đầu vào đến đầu ra”, “từ đồng ruộng đến mâm cơm”, quản trị thương mại, các chính sách tài chính linh hoạt kết nối sản xuất, thị trường và quản lý bền vững…

 

Những công nghệ này, hệ sinh thái liên kết và nông dân thế hệ mới sẽ nâng cao năng suất lên 10-20%, giá trị dịch vụ lên 10-20% và nông nghiệp sẽ lan toả ra toàn nền kinh tế để phục vụ mục tiêu tăng trưởng 2 con số, bình phương, lập phương giá trị, thành nước công nghiệp, thu nhập cao, phát triển bền vững.

 

TS. Lê Hưng Quốc