Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm bổ sung các kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) theo Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV, ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030”.
Tham gia 05 lớp tập huấn có 90 học viên, chủ yếu là nông dân các xã trên địa bàn 5 huyện. Trong thời gian 03 ngày/lớp , các học viên được giảng viên truyền đạt những nội dung như: Tổng quan về IPHM; Hệ sinh thái ruộng lúa; Điều tra, phân tích hệ sinh thái được thực hiện hàng tuần, sinh lý của cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển, phương pháp nghiên cứu, quản lý đồng ruộng; Biện pháp đấu tranh sinh học; Sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; Biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất, liên kết, ứng dụng KHCN 4.0, các biện pháp bảo vệ môi trường,…
|
|
Giảng viên và học viên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc lúa giai đoạn cây lúa đón đòng |
Cũng trong khóa tập huấn, các học viên sẽ được trao đổi với các giảng viên để bổ sung kỹ năng cần thiết về hoạt động theo nhóm; kỹ năng hướng dẫn; tổ chức lớp, hội nghị, hội thảo; kỹ năng tổ chức lớp học hiện trường (FFS); kỹ năng truyền thông, tuyên truyền, thuyết trình; tuyên truyền phổ biến kiến thức; kỹ năng tổ chức thăm quan học tập và kỹ năng lập báo cáo đánh giá kết quả lớp học, được tham quan, học tập mô hình tiêu biểu. Nội dung bài học được dựa trên công tác điều tra sinh thái, thăm đồng, gắn từng thời điểm để đưa ra các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại khi phát sinh theo hướng quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp IPHM.
Sau khóa tập huấn các học viên nắm được những kỹ năng cơ bản, chuyên môn kỹ thuật từ 5 nguyên tắc nông dân thực hành IPHM: khâu chọn giống chất lượng, giống khoẻ; phục hồi và cải thiện sức khoẻ đất; quản lý nước, dinh dưỡng và thực hiện quản lý sinh vật gây hại tổng hợp; đa dạng sinh học; nông dân hợp tác và sáng tạo.
Qua lớp huấn luyện học viên được thực hành thực tế theo các phương pháp điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, thảo luận các vấn đề kỹ thuật trồng cây lúa để đưa ra các cách giải quyết vấn đề một cách cụ thể và hiệu quả. Đặc biệt trong khoá học này, các học viên còn trực tiếp thí nghiệm nuôi côn trùng (thiện địch: nhện bắt mồi, kiến ba khoang; sâu hại: sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn...) để theo dõi vòng đời, mức độ gây hại, tập tính của chúng… phục vụ cho công tác dự báo tình hình sâu bệnh và đề ra phương pháp phòng trừ bảo vệ cây lúa một cách hiệu quả nhất.
Đây là nội dung rất mới và thiết thực trong thực tế sản xuất tại địa phương vùng núi cao Tây Bắc, vì vậy các học viên này là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật và tham gia chỉ đạo sản xuất cho bà con nông dân trồng lúa trên địa bàn các xã của địa phương trong thời gian tới và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, và kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Hoàng Khắc Tân
Trung tâm KN giống cây trồng vật nuôi tỉnh Điện Biên