Thành phần tham dự lớp tập huấn gồm có cán bộ Phòng Nông nghiệp của Sở, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, Đài phát thanh truyền hình huyện, Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch), Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông 25 xã trên địa bàn huyện.

 

Nội dung tập huấn tập trung vào quy trình kỹ thuật sản xuất lúa vụ Đông Xuân như: Vệ sinh đồng ruộng, Thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống, kỹ thuật chăm sóc, cách sử dụng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển cây lúa, Phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Ngoài ra cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện nhấn mạnh cho việc phòng chống rét cho cây lúa vụ Đông Xuân.

 

Trong buổi tập huấn các học viên cũng chia sẻ kinh nghiệm việc tuân thủ thời gian gieo cấy là yêu cầu quan trọng, quyết định sự thành bại trong sản xuất nông nghiệp. Chính do gieo cấy sớm hơn lịch quy định 15 - 20 ngày nên một số diện tích lúa của các huyện trong tỉnh như: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... trỗ vào dịp rét, tỷ lệ hạt lép cao.

 

Để giành thắng lợi vụ lúa Đông Xuân năm 2013 thì bắt buộc bà con phải tuân thủ quy trình kỹ thuật xuống giống và cơ cấu giống. Theo đó, các địa phương nên gieo cấy 2 - 3 giống lúa chủ lực và 1 - 2 giống bổ sung chứ không nên chỉ gieo 1 loại. Với các xã, huyện vùng cao nên mở rộng tối đa diện tích gieo giống lúa lai (cơ cấu 20 - 30% chứ không phải 10 - 12% như những vụ trước); giống lúa thuần chiếm 70 - 80% (trong đó lúa thuần chất lượng cao chiếm 40 - 50%, giống khác 15 - 20%, còn lại giống địa phương).

 

Căn cứ từng loại giống và tiểu vùng khí hậu, sinh thái, bà con chọn thời gian xuống giống phù hợp, đảm bảo lúa trỗ an toàn trong những ngày nắng ấm. Một mặt, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý những nông dân, địa phương tự ý xuống giống quá sớm hoặc quá muộn so với lịch nông vụ, để tránh tác động tiêu cực của thời tiết dẫn tới “mất mùa”.

 

Hoàng Khắc Tân - TTKN Điện Biên