Trong diễn văn ngày 02/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng cho “kỷ nguyên vươn mình” và chỉ đạo tổng kết 40 năm Đổi mới trong chuẩn bị văn kiện Đại hội 14 sắp tới.
Tôi có một vài suy ngẫm qua cuốn sách quí, chia sẻ cùng quý bạn đọc.
1. Về sự sáng tạo vĩ đại của nông dân nước ta, là tác giả chính của Đổi mới nông nghiệp. Từ kinh nghiệm khoán hộ của Vinh Phú thập niên 60, tiếp đến khoán của những năm 70 – 80 chính là làn sóng “xé rào”, “cởi trói” lần thứ nhất trong sản xuất dẫn đến sự đồng thuận của lãnh đạo Đảng, chính quyền các địa phương, Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Bộ Nông nghiệp trình Bộ Chính trị. Chỉ sau một năm có Nghị quyết 10 (05/4/1988) nông dân chúng ta đã vượt qua cột mốc sản xuất trên 21 triệu tấn lương thực và xuất khẩu gạo hơn 1 triệu tấn. Điều đó khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết như câu nói của đồng chí Võ Chí Công (Thường trực Ban Bí thư, người ký Nghị quyết): “Khoán chứ có phải là bàn thờ đâu mà chúng ta không dám động đến”.
2. Về cách tiếp cận, chọn và phát huy thời cơ, thời điểm Đổi mới hội nhập.
Sau Đại hội 6 (1986) ông Nguyễn Công Tạn được phân công làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp 10 năm (1987-1997) và Phó Thủ tướng 5 năm (1997-2002), trực tiếp vận hành thực hiện Nghị quyết đổi mới trong nông nghiệp. Chính thời kỳ này (1985-2005) đất nước ta từ khủng hoảng, lạm phát; nông nghiệp từ thiếu đói, phải nhập lương thực đã vươn lên tăng trưởng nhảy vọt, vững chắc (GDP >5%/năm) xuất khẩu gạo, nông sản liên tục từ 1989 mang về ngoại tệ (giá trị cao) thay nội tệ (giá trị thấp) đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc về an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo… Ông Nguyễn Công Tạn đã đưa ra công thức tiếp cận phát triển cho thời kỳ nông nghiệp mới: Chuyển đổi cơ cấu + Phát triển thị trường + Chuyển giao công nghệ, đưa 3 yếu tố cấu trúc (bên trong), thị trường (bên ngoài), công nghệ (động lực) có vai trò ngang nhau, góp phần tạo ra làn sóng thứ 2 là phát triển thị trường (16FTA, thị trường trong nước, mở rộng các lĩnh vực thị trường, các giá trị thị trường) và khai sinh hệ thống Khuyến nông Việt Nam (1993) thay vai trò chỉ đạo sản xuất của HTX đang chuyển đổi. Công thức phát triển này mang chất lượng tư tưởng.
3. Về bắt nhịp, đổi mới sáng tạo thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thế giới:
Năm 1976, Trung Quốc phát minh lúa lai 3 dòng, năm 1986 phát minh lúa lai 2 dòng, năm 1996 phát minh siêu lúa, tăng năng suất lúa mỗi ha từ 1 đến 10 tấn/năm (hiện nay đã đạt được năng suất lúa 20 tấn/ha/vụ); rồi các thành tựu về keo lai, bò sữa, gia cầm, lúa chất lượng…
Ông Nguyễn Công Tạn đã chủ trương nhập nhanh kỹ thuật và công nghệ, đào tạo cán bộ khoa học, dựa vào Doanh nghiệp, phê duyệt các chương trình trọng điểm… đã tạo được sự đồng thuận của cả 3 lực lượng: nông dân, Doanh nghiệp và đồng nghiệp; trực tiếp nói, viết và làm; kết quả là góp phần mỗi năm nước ta tăng được 1 triệu tấn lương thực, tạo ra được 1 số ngành hàng nông nghiệp mới (lúa lai, sữa, lúa chất lượng, keo lai, đà điểu, chanh leo…) và xuất khẩu nông sản vươn lên top 15 hàng đầu thế giới chỉ khoảng 30 năm .
Hiện nay, chúng ta đang chuyển sang làn sóng thứ 3, ứng dụng công nghệ 4.0, càng cần phải nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm này. Bộ Thông tin và Truyền thông dù mới thành lập hơn 1 thập kỷ nay nhưng bằng ứng dụng công nghệ hiện đại đã hoàn toàn thay đổi diện mạo của Bộ Bưu điện ngày xưa là 1 ví dụ điển hình.
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn thăm mô hình trồng bưởi tại Chương Mỹ - Hà Nội năm 2006 |
4. Về việc tách chức năng quản lý Nhà nước và làm kinh tế nông nghiệp
Thời ông Nguyễn Công Tạn làm “tư lệnh” NN lần lượt có nhiều Bộ được sáp nhập như Thủy lợi, Lâm nghiệp, Thủy sản, Nông trường, Lương thực… thành siêu Bộ quản lý đa ngành NN-PTNT. Cần tổng kết cách vận hành 6-7 Bộ và các Tổng Cục hợp nhất trong xây dựng thể chế, pháp luật, tổ chức nhân sự, phát triển doanh nghiệp, xây dựng Hiệp hội ngành hàng … dần dần thay thế tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vận hành ngang 63 “sứ quân” … đến tách bạch 2 nhiệm vụ làm và quản lí kinh tế NN, xây dựng các chương trình, mục tiêu quốc gia lớn với 7-8 vùng kinh tế sinh thái … có hiệu quả hơn…
5. Về những chủ trương, giải pháp làm chậm, vội hoặc chưa thành công.
Thời đổi mới chúng ta cũng có những việc triển khai chậm, vội hoặc chưa thành công ví dụ như vấn đề đất đai, công nghệ gen, di thực sinh học, một số chương trình đạt hiệu quả chưa cao như mía đường, bông, cây có dầu, cây có sợi, cây ăn quả ôn đới........
Nhưng thành ngữ có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Việc tổng kết, nhận ra nguyên nhân, sửa sai nhanh, biến nhược điểm thành ưu điểm cũng là vẻ đẹp và tạo đẳng cấp, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo để hòa cùng dòng chủ lưu tiến hóa của thời đại.
***
Tôi nghĩ rằng, tập sách này là một loại “Văn bia” (ý của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) như một loại “két bạc” (ý của nhà thơ Khương Hữu Dụng) cùng với một số ấn phẩm có giá trị khác về tam nông như góp thành một loại tài sản, di sản nông nghiệp.
Nguyễn Công Tạn là “tư lệnh” nông nghiệp “văn võ song toàn” thuộc lớp người tinh hoa (Elite) đã để lại nhiều dấu son xuất sắc trong ngành nông nghiệp thời kỳ Đổi mới.
Lê Hưng Quốc
Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm, Bộ NN-PTNT