Đây là một sự kiện đặc biệt khi lần đầu tiên Bộ trưởng trực tiếp đối thoại với các cộng đồng địa phương trong một sự kiện được tổ chức thực tế và trọng thể. Đối thoại “đầu bờ” được tổ chức tại hiện trường khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân Tổ dân phố đảo Bích Đầm - nơi người dân sống xa bờ nhất trong vịnh Nha Trang. Tại đây, Bộ trưởng thăm tàu cá của ngư dân, nơi neo đậu và tránh trú bão, tìm hiểu công việc và cuộc sống của bà con ngư dân… Sau đó, Bộ trưởng dành thời gian đối thoại tại chỗ với cộng đồng ngư dân Bích Đầm, nhằm tìm giải pháp quản lý nghề cá ở Bích Đầm nói riêng và ở Việt Nam nói chung phát triển hiệu quả và bền vững.
|
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm và đối thoại cùng bà con đảo Bích Đầm |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững ngành nghề thuỷ sản. Đây là nghề không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn là sự tiếp nối giữ gìn văn hóa, truyền thống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tại buổi đối thoại, người dân kiến nghị một số vấn đề về hiện trạng trên đảo Bích Đầm, như tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt và tàu cứu thương… Đáp lời bà con, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững ngành nghề thuỷ sản. Đây là nghề không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn là sự tiếp nối giữ gìn văn hóa, truyền thống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ trưởng cũng đề cập đến sự thay đổi trong ngành thủy sản của nước ta, từ việc chỉ tập trung vào đánh bắt và nuôi trồng nay đã chuyển sang một hướng tiếp cận toàn diện hơn; trong đó, vừa đánh bắt vừa bảo tồn theo các hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm có hiệu quả gắn với thu hút du lịch để bảo tồn nghề cá. Ông kêu gọi sự thay đổi trong tư duy và hành động, từ việc chỉ chú trọng đánh bắt sang việc bảo tồn và phát triển bền vững.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã đối thoại với cộng đồng ngư dân với chủ đề: "Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm". Buổi đối thoại còn có sự tham dự của ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở Trung ương và địa phương; các viện, trường nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản; các hội, hiệp hội nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản; cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên,...
|
|
Buổi đối thoại chiều cùng ngày đã thu hút sự tham dự của 200 đại biểu |
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng Khánh Hòa cũng đã thực hiện việc công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Đây là mô hình đồng quản lý đầu tiên của Khánh Hòa được công nhận và giao quyền quản lý theo đúng Luật Thủy sản năm 2017.
Tiến sỹ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn đã trình bày mô hình quản lý cảng tại Nhật Bản và bài học cho Việt Nam. Theo đó, Bộ Nông lâm thủy sản nước này khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng tham gia đầu tư, vận hành và khai thác chợ đầu mối thủy sản tại các tỉnh... Theo ông Hải, mô hình này có thể áp dụng tại Việt Nam giúp ngư dân tăng chất lượng sản phẩm, tăng sơ chế và chế biến nhỏ; gắn kết “cò, đầu nậu, thương lái” cùng hợp tác xã và chính quyền.
Sau phần thảo luận của đại diện tổ chức phi chính phủ, là phần đối thoại giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu. Nội dung của đối thoại nhấn mạnh đến thúc đẩy, nhân rộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vai trò của ngư dân, các hội đoàn, các bên liên quan khác trong quản trị cảng/bến cá ở nước ta trong thời gian tới.
Cuộc đối thoại đã diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn; ngư dân hỏi, Bộ trưởng trả lời trực tiếp. Qua đó giúp ngư dân và các bên liên quan có cơ hội phản ánh thực tế nghề cá địa phương, chia sẻ các vướng mắc, tháo gỡ các nút thắt, từ đó đề xuất các giải pháp giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể nhân rộng mô hình đồng quản lý và quản trị/quản lý hiệu quả các cảng/bến cá ở nước ta trong tương lai.
Ông Đồng Văn Triển, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, tình Bình Thuận đặt câu hỏi: "Chúng tôi là ngư dân tham gia cộng đồng. Tuy nhiên, năng lực về quản lý, tổ chức cộng đồng còn yếu. Bộ trưởng có cách nào hỗ trợ cho chúng tôi được học tập nâng cao nâng lực về quản lý, điều hành hội?".
Trả lời câu hỏi của các ngư dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đồng quản lý nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. Đồng quản lý thúc đẩy tự chủ và đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề cá trong công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Đồng quản lý góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thông qua đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các địa phương, các tổ chức, nghiệp đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kiên trì tuyên truyền, lan tỏa để ngư dân hiểu và tham gia đồng quản lý; tiếp cận hướng quản trị/quản lý cảng cá mới, tích hợp công nghệ hiện đại, hướng đến phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Hoài Thu